Thứ Năm, 6 tháng 8, 2009

No36: VẤN ĐỀ ĐẢNG TỊCH CỦA LÊ ĐỨC ANH

Trong vấn đề này, ngoài các thư từ của các lão thành cách mạng, tướng lĩnh quân đội... có hai tài liệu còn lưu trữ: Một tài liệu tháng 11 - 1976, khi đồng chí Lê Đức Anh tham gia Đại hội 4 và được đề cử vào Ban chấp hành Trung ương. Lúc ấy đồng chí Lê Đức Anh là Tư lệnh Quân khu 9; một tài liệu nữa làm tháng 8 - 1986 trước Đại hội 6. Lúc đó đồng chí Lê Đức Anh là Trưởng ban lãnh đạo Đoàn chuyên gia giúp bạn Camphuchia, Ủy viên Bộ Chính trị. Trước đó đồng chí Lê Đức Anh là Tư lệnh Quân khu 7.

+ Tài liệu thứ nhất ghi:
- Thành phần gia đình: Trung nông; Bản thân: Viên chức
- Tham gia cách mạng: 1937
- Vào Đảng: 7 - 1945
- Chính thức: 8 - 1945

“Bản thân học đến năm 1937, ra dạy tư ở Phú Vang, được kết nạp Đảng vào năm 1938, nhưng chưa sinh hoạt chi bộ. Giữa năm 1939, người anh rể (Hồ Văn Nguyên) bị bắt nên mất liên lạc. Cuối năm 1939 vào Hội An, năm 1940 vào Đà Lạt - Lộc Ninh. Tháng 11 năm 1944 tiếp mối liên lạc hoạt động trong công nhân cao su. Tháng 7 - 1945 được giao nhiệm vụ chuẩn bị khởi nghĩa. Lấy đó làm ngày kết nạp và lấy ngày 30 - 8 - 1945 là ngày làm Tỉnh ủy viên Thủ Dầu Một làm ngày chính thức”.

+ Tài liệu thứ hai làm tháng 4 - 1986 (bước vào Đại hội 6) ghi:
- Thành phần gia đình: Trung nông
- Bản thân: Công nhân
- Ngày và nơi tham gia cách mạng: 1937
- Ngày nhập ngũ: Tháng 8 - 1945
- Ngày vào Đảng: 30 - 5 - 1938
- Ngày chính thức: 05 - 10 - 1938

+ Quá trình hoạt động cách mạng:

“1937 : Tham gia phong trào Bình Dân ở Phú Vang, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 5 năm 1938.

Giữa năm 1939, địch khủng bố mất liên lạc, vào Hội An, Đà Lạt, Thủ Dầu Một làm ăn.

4 - 1944: Được giao các nghiệp đoàn cao su ở Lộc Ninh, Quảng Lợi.

8 - 1945: Chỉ huy quân đội vũ trang Thủ Dầu Một, làm trung đội trưởng, chính trị viên đại đội, chính trị tiểu đoàn, chính trị viên chi đội 1, sau là trung đoàn 301, trung đoàn ủy viên, Tỉnh ủy viên Thủ Dầu Một”.

Vì vậy, ngày vào Đảng (30 - 5 - 1938), ngày chính thức (05 - 10 - 1938) ghi trong bản tóm tắt lý lịch năm 1986 của đồng chí Lê Đức Anh là một nghi vấn. Việc các đồng chí lão thành cách mạng, tướng lĩnh quân đội yêu cầu Đảng thẩm tra vấn đề Đảng tịch đồng chí Lê Đức Anh từ năm 1982, và từ năm 1986 (khi có bản tóm tắt lý lịch của đồng chí Lê Đức Anh lần thứ 2) là một yêu cầu xác đáng.

Trong công tác Đảng viên thì vấn đề Đảng tịch bất cứ thời kỳ nào cũng là vấn đề quan trọng hàng đầu. Điều lệ Đảng quy định: Đảng viên chỉ được tính tuổi Đảng từ khi được kết nạp Đảng chính thức. Có nghĩa rằng chỉ có thể chính thức được công nhận là Đảng viên từ ngày được chi bộ chính thức kết nạp.

Trong bản tóm tắt lý lịch lần thứ nhất (tháng 11 - 1976) của đồng chí Lê Đức Anh có ghi rõ: chưa sinh hoạt chi bộ. năm 1939 thì mất liên lạc. Cho dù được kết nạp dự bị năm 1938 thì cũng không thể kết nạp chính thức, vì chưa sinh hoạt chi bộ.

Bản tóm tắt lý lịch: 11 - 1976 ghi là:

“Tháng 11 - 1944 tiếp mối liên lạc hoạt động trong công nhân cao su”. Vậy, tiếp mối liên lạc hoạt động gì? Hoạt động Việt Minh Cứu Quốc hay hoạt động Đảng? Hoạt động Đảng là hoạt động với tư cách đảng viên chính thức hay đảng viên dự bị? Giả định đã tiếp mối liên lạc về Đảng thì sau đó hoặc là được kết nạp dự bị lại, hoặc là sau một thời gian thử thách được chính thức kết nạp vào Đảng. Trong tóm tắt lý lịch tháng 11 - 1976 không nói điều này. Xin lưu ý là từ tháng 4 - 1944 đến tháng 7 - 1945 là 1 năm 3 tháng. Lúc đó đang là cao trào cách mạng tiền khởi nghĩa, có vùng Đảng đã hoạt động bán công khai.

Bản tóm tắt lý lịch tháng 11 - 1976 còn ghi là:

“Tháng 7 - 1945 được giao nhiệm vụ chuẩn bị khởi nghĩa. Lấy đó làm ngày kết nạp và lấy ngày 30 - 8 - 1945 là ngày làm Tỉnh ủy viên Thủ Dầu Một làm ngày chính thức”. “Lấy đó làm ngày kết nạp”...nghĩa là thế nào? “Lấy đó làm ngày chính thức”...nghĩa là thế nào? Nghĩa là lấy đó mà thôi, chứ không phải là đã được kết nạp, được làm lễ chính thức.

Đồng chí Năm Thi trong bức thư gửi đồng chí Lê Đức Thọ yêu cầu xác minh lý lịch và các vấn đề về đồng chí Lê Đức Anh viết ngày 2 - 8 - 1986 có nói:

“Đầu năm 1945, tôi (Năm Thi là Ủy viên Ban cán sự Thủ Dầu Một) được phân công đến Lộc Ninh để kiểm điểm khả năng tổ chức lực lượng Mặt trận Việt Minh... Tháng 2 - 1945 một tổ chức Mặt trận Việt Minh trong công nhân cao su... Ngày vào Đảng năm 1945 (của đồng chí Lê Đức Anh) do Đảng bộ Thủ Dầu Một có thể là đúng. Còn trước năm 1945, tôi (Năm Thi) chưa thấy rõ vì không có sự giới thiệu nào là một đồng chí đảng viên nằm vùng”.

Nhiều đồng chí chí cho rằng: đồng chí Lê Đức Anh chưa được kết nạp hoặc chưa được kết nạp chính thức. cho nên mới dùng cái từ “lấy đó làm ngày kết nạp, lấy đó làm ngày chính thức”.

Vì vậy, yêu cầu thẩm tra đảng tịch đồng chí Lê Đức Anh của nhiều đồng chí lão thành cách mạng là có lý do xác đáng.

Cần lưu ý là:

Bản tóm tắt lý lịch tháng 11 - 1976 ghi: Thành phần là “viên chức”. Viên chức là thuộc thành phần tiểu tư sản. Được kết nạp năm 1938, nhưng không có ngày.

Điều lệ Đảng trước đây quy định: Thời gian dự bị của những người được kết nạp Đảng thành phần tiểu tư sản là 6 tháng. Còn xuất thân thành phần công nhân thời gian dự bị là 3 tháng.

Cho nên khi khai ngày kết nạp (dự bị) là 30 - 5 - 1938 và ngày chính thức là 05 - 10 - 1938 (cách nhau 4 tháng 6 ngày thì tất nhiên kèm theo đó phải khai tụt xuống là xuất thân công nhân). Vì nếu xuất thân viên chức thì thời gian dự bị phải là 6 tháng. (Đó là chưa nói các nghi vấn khác như một số đồng chí đảng viên đã đặt vấn đề từ năm 1982).

Bản tóm tắt lý lịch tháng 11 - 1976 ghi:

“Tham gia Mặt trận Bình Dân, bị địch khủng bố mất liên lạc vào Nam Bộ làm ăn. Tháng 4 - 1944, tiếp tục hoạt động”. Như vậy là chỉ nói tham gia Mặt trận Bình Dân, không nói rõ tham gia Đảng. Chỉ nói “mất liên lạc vào Nam Bộ làm ăn. Tháng 4 - 1944 tiếp tục hoạt động”. Như vậy là từ năm 1939 đến tháng 4 năm 1944 làm ăn, không hoạt động gì, thời gian đó là hơn 5 năm. 5 năm không phải là thời gian ngắn.

Bản tóm tắt lý lịch tháng 11 - 1976 như vậy, thế thì làm sao lại tòi ra trong bản tóm tắt lý lịch lần 2: ngày vào Đảng là ngày 30 - 5 - 1938, ngày chính thức là ngày 05- 10 - 1938? Vì sao đến năm 1986 lại nhớ cụ thể ngày tháng kết nạp chính thức đến như vậy? Nếu được kết nạp chính thức rồi mà trong suốt 5 năm ấy, sao không tìm cách bắt liên lạc với Đảng? Khi vào Hội An, phong trào cách mạng ở Hội An, Duy Xuyên, Quảng Nam rất mạnh. Tổ chức Đảng và các tổ chức công khai như các hội ái hữu, các nghiệp đoàn đều hoạt động mạnh, ngay trong Sở đạc điền mà đồng chí Lê Đức Anh làm thư ký cũng có tổ chức quần chúng của Đảng.

Nhiều đồng chí cán bộ, đảng viên nghi vấn đồng chí Lê Đức Anh chưa được kết nạp vào Đảng là có lý do.

Vậy tại sao từ năm 1986, khi có bản tóm tắt lý lịch lần 2 của đồng chí Lê Đức Anh, và có lời ghi ở góc phải trên bức thư ngày 2 - 8 - 1986 đồng chí Năm Thi gửi đồng chí Lê Đức Thọ là: “Điều tra lý lịch ngày vào Đảng có phải là 44 hay 39?”. Ban Tổ chức Trung ương và Ban Bảo vệ chính trị nội bộ lại không tiến hành kiểm tra và xác minh?

Đồng chí Nguyễn Đức Tâm cho biết:

Đồng chí Nguyễn Đức Tâm có trực tiếp báo cáo với đồng chí Lê Đức Thọ, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương khóa ấy về vấn đề lý lịch đồng chí Lê Đức Anh. Đồng chí Lê Đức Thọ đang nghiên cứu nhân sự Tổng Bí thư nên không có thời gian xem xét tiểu sử đồng chí Lê Đức Anh và chỉ gặp đồng chí Lê Đức Anh bảo đồng chí Lê Đức Anh viết báo cáo gửi lên Ban Tổ chức Trung ương và để sau Đại hội hãy hay.

Thư đồng chí Lê Đức Anh gửi đồng chí Lê Đức Thọ, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương ngày 16 - 11 - 1986 chỉ đề cập 3 vấn đề mà theo đồng chí Lê Đức Anh là “do nhóm Trần Văn Trà, Tô Ký, Năm Thi, Huỳnh Văn Một, v.v... sẽ nói trong dịp Đại hội toàn quân vào cuối tháng 11 năm 1986:

1. Làm cai cao su.
2. Tại sao tôi (Lê Đức Anh) lãnh đạo khởi nghĩa ở các vùng đồn điền cao su ở phía bắc Thủ Dầu Một mà không bắt và giết tên Giám đốc đồn điền cao su?
3. Tại sao tôi (Lê Đức Anh) không bắt được bọn quan chức cao cấp của Pháp bị bọn Nhật giam giữ ở Lộc Ninh, Thủ Dầu Một khi đã giành được chính quyền?”

Trong bức thư gửi đồng chí Lê Đức Thọ ngày 16 - 11 - 1986 của đồng chí Lê Đức Anh, đồng chí Lê Đức Anh hoàn toàn không đề cập đến vấn đề đảng tịch.

Đồng chí Nguyễn Đình Hương cho biết:

“Trong thời gian chuẩn bị Đại hội 6 xẩy ra sự kiện anh Văn Tiến Dũng và anh Chu Huy Mân không trúng đại biểu đi dự Đại hội Đảng toàn quốc. Lúc đó cân nhắc ai làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, kết quả là Bộ Chính trị giới thiệu đồng chí Lê Đức Anh làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và khi xem xét không bàn gì về lịch sử chính trị đồng chí Lê Đức Anh”.

Khóa 6, đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư. Đồng chí Nguyễn Đức Tâm báo cáo với đồng chí Nguyễn Văn Linh một số vấn đề về lịch sử chính trị đồng chí Lê Đức Anh, nhưng đồng chí Nguyễn Văn Linh không có ý kiến gì.

Đến Đại hội 7, đồng chí Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư. Đồng chí Nguyễn Đình Hương, Trưởng Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương, báo cáo với đồng chí Đỗ Mười. Đồng chí Đỗ Mười thấy thư phản ánh có vấn đề phải nghiên cứu, nhưng lúc ấy đồng chí Lê Đức Anh được bầu vào Bộ Chính trị, bầu làm Chủ tịch nước nên đồng chí Đỗ Mười không có ý kiến gì.

Đồng chí Nguyễn Đình Hương, Khi làm Phó Ban Tổ chức Trung ương kiêm Trưởng Ban Bảo vệ chính trị nội bộ được đồng chí Lê Đức Thọ và Nguyễn Đức Tâm giao nghiên cứu các thư phản ánh về lịch sử chính trị đồng chí Lê Đức Anh. Lúc đó đồng chí Lê Đức Anh đã được Trung ương và Bộ Chính trị cử làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng rồi Chủ tịch nước, cho nên cũng dừng lại.

Đến khi Đài phát thanh đưa tin đồng chí Lê Đức Anh được nhận huy hiệu 60 năm tuổi Đảng thì các lão thành cách mạng, cán bộ, đảng viên lại có thư yêu cầu xem xét đảng tịch đồng chí Lê Đức Anh.

Sau Đại hội 9, qua các hành động vi phạm nguyên tắc, lộng quyền, vu khống của đồng chí Lê Đức Anh, cho đến nay, khi vụ T4 được phát hiện, thư phản ánh về tiểu sử đồng chí Lê Đức Anh lại rộ lên.

Ban Tổ chức Trung ương, Ban Bảo vệ chính trị nội bộ từ cuối khóa 5, khóa 6, khóa 7, khóa 8 đều thấy đảng tịch của đồng chí Lê Đức Anh cần phải xem xét lại. Nhưng do nể nang, lấy lý do là đã được bầu vào chức vụ cao của Đảng và Nhà nước, nên bỏ qua, không xem xét. Không thể lấy thái độ hữu khuynh ấy để làm căn cứ mà không thẩm tra lại lý lịch đồng chí Lê Đức Anh.

Đồng chí Lê Đức Anh tự khai vào Đảng ngày 30 tháng 5 năm 1938 và chính thức ngày 05 tháng 10 năm 1938 là khai man

Không có nhận xét nào: