Thứ Hai, 29 tháng 12, 2008

No7: CHÂN DUNG ÔNG TỐ HỮU

Thực ra, người viết đã nghĩ là sẽ không ghi chép, bình luận thêm gì về chân dung ông Tố Hữu nữa. Nhưng đọc báo trong nước, lại thấy ông Tố Hữu tự tô đậm thêm chân dung của ông một lần nữa, nên cũng xin chép lại để giới thiệu với các bạn. Số là, sau khi cuốn “Chân Dung Và Ðối Thoại” của Trần Ðăng Khoa ra mắt độc giả, dư luận trong nước khá xôn xao, bạn đọc kẻ khen người chê, người thì cho là Trần Ðăng Khoa mạnh dạn “xé rào” dám đưa ra một phần sự thật về các nhà văn, kẻ lại chê là tác giả “láo lếu” dám “xỏ ngầm” các bậc đàn anh khả kính. Tờ “An Ninh Thế Giới” (ANTG) quan tâm đến “an ninh văn hóa” nước nhà, đã cử nhà báo N.N.P. phỏng vấn ông Tố Hữu để xin ý kiến của ông về bài Trần Ðăng Khoa viết về ông. Trong ANTG số 117, có đăng bài phỏng vấn đó.

Trả lời câu hỏi của nhà báo công an, ông Tố Hữu nói:

- Chú chưa có ý kiến gì đâu. Cứ để các nhà phê bình, bạn đọc lên tiếng đã. Rồi sau đó chú sẽ có tiếng nói chính thức. Mà có lẽ tốt hơn cả là chú gọi Khoa tới... như ngày xưa Khoa còn bé tý. Mà này, cháu ở Văn hoá - Văn nghệ Công an hả. Chà chà, phải cẩn thận khi phát ngôn đấy. Kẻo người ta bảo ông Tố Hữu dùng "Công an đánh Khoa" thì gay. Cháu cứ ghi ý kiến của chú, đăng báo nào thì tuỳ, nhưng đăng ở Công an... Từ từ nhé!

Quả là ông nhà thơ tỏ ra... “khôn” thật. Ông dặn anh nhà báo công an phải cẩn thận... “Kẻo người ta bảo ông Tố Hữu dùng "Công an đánh Khoa" thì gay”! Tố Hữu làm như tuồng ông chưa hề bao giờ dùng công an “đánh” một văn nghệ sĩ nào cả! Chưa hề bao giờ bắt bớ, giam cầm và bỏ tù văn nghệ sĩ cả! Các văn nghệ sĩ là nạn nhân còn sống sót sau bao cuộc đàn áp - mà ông Tố Hữu là một trong những người phải chịu trách niệm chính - nghĩ thế nào khi nghe ông nói thế?

Rồi ông Tố Hữu nói tiếp:

- ... Tôi và anh Xuân Diệu phát hiện ra Khoa, bồi dưỡng Khoa. Tập thơ "Góc sân và khoảng trời" đến bây giờ vẫn giữ nguyên giá trị... Sau này, Khoa không được như trước nữa, có lẽ là vì "đứt rễ", vì phải xa cái sân gạch nhà mình, xa cây na ngày gọi chim, đêm gọi trăng... Nhà văn, nhà thơ mà xa mảnh đất đã làm nên mình là hỏng. Ðặc biệt sai lầm là cái việc đưa Khoa đi học Trường viết văn Goócki. Làm gì có trường dạy viết văn. Nghề văn không dạy được. Nhà văn hình thành là do cuộc sống, do một năng khiếu bẩm sinh. Nhà văn là phải học ở trường đời. Tôi cho Trường viết văn Nguyễn Du là thứ tào lao, không nên có. Chỉ nên mở lớp bồi dưỡng khoảng một năm.

Ðúng quá! “Làm gì có trường dạy viết văn. Nghề văn không dạy được. Nhà văn hình thành là do cuộc sống, do một năng khiếu bẩm sinh. Nhà văn là phải học ở trường đời”. Ðiều này trước đây nhiều người đã nói, nhưng ông Tố Hữu cũng như các vị lãnh đạo khác của Ðảng có chịu nghe đâu?! Còn... bây giờ thì ông nói thế, một lần nữa ông lại “phịa như thật”! Làm như tuồng trước đây ai đấy đã quyết định làm cái “thứ tào lao” đó, tức là bày ra Trường viết văn Nguyễn Du, là cử sinh viên đi học ở Trường viết văn Goócki, chứ không phải ông Tố Hữu, người đã “thống lĩnh” văn học nghệ thuật Việt Nam xã hội chủ nghĩa suốt mấy chục năm trời! Ông cũng cố lờ đi cái mục đích chính của trường viết văn do Ðảng của ông bày ra. Ðảng mở ra trường viết văn đâu có phải để dạy viết văn - như ông nói bây giờ - mà chính là để nhồi sọ cho các nhà văn tương lai cái đầu óc tuyệt đối phục tùng Ðảng, hết lòng hết sức phục vụ cho đường lối của Ðảng. Những thứ đó các ông lãnh đạo Ðảng thường gọi là “tính đảng trong văn học nghệ thuật”! Hay là “trau giồi thế giới quan mác-xít lê-nin-nít”!

Ðọc câu trả lời của Tố Hữu, tôi bỗng liên tưởng đến một chuyện thật chua xót thế này: sau khi đã giam cầm, bỏ tù một loạt văn nghệ sĩ hoàn toàn vô tội, hay chỉ có cái “tội” tha thiết ước muốn tự do, trong cái gọi là “vụ án Nhân Văn Giai Phẩm”, ngày 25.7.1961, ông Tố Hữu đọc một bài diễn văn quan trọng, nhan đề “Ðào tạo những nghệ sĩ mới của dân tộc”, trong đó ông nói: “Chúng ta giàu cái gì nhất? Giàu tự do. Tự do là điều kiện thiết yếu của nghệ thuật. Tự do là nước, nghệ thuật là cá. Không có tự do, nghệ thuật không sống được và sẽ chết. Nếu không có ý thức đầy đủ về điều đó, thì nghệ thuật không thể phát triển được” (chép đúng nguyên văn, xem tr. 261 sách “Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta với thời đại ta” của Tố Hữu, Hà Nội 1973). Xin nhắc lại: cái chúng ta giàu nhất là tự do!!! Ðấy, cái tài - có thể gọi là nghệ thuật - “phịa như thật” của Tố Hữu là như thế đó: cái đúng và cái bịp, cái thật và cái phịa xen kẽ nhau, xoắn quyện nhau, khó mà “lần” cho ra... Nhắc lại điều này để thấy chân dung ông Tố Hữu gần 40 năm trước và bây giờ về cơ bản không có gì thay đổi mấy!

Ông Tố Hữu nói tiếp với nhà báo công an:

- ... Nhưng mà này, tôi có cảm giác Khoa đang sống xa dân, xa cuộc sống thật... Nguy đấy. Gần đây, văn học nước nhà không có cuốn tiểu thuyết nào gây ấn tượng. À, tôi thấy có câu này không ổn. Khi nói đến Ðảng, đến Bác là chúng ta hay nói “ơn Ðảng, ơn Bác Hồ”. Nói thế Bác buồn đấy. Phải là “ơn dân” rồi mới đến Ðảng, đến Bác.

Một lần nữa, ông Tố Hữu lại tỏ rõ biệt tài “phịa như thật”. “Nói thế Bác buồn đấy”! Ðạo đức giả làm sao! Tố Hữu làm như hồi sinh thời, ông Hồ coi trọng dân hơn Hồ Chủ tịch, coi trọng dân hơn đảng cộng sản. Lẽ nào ông trưởng ban tuyên huấn của Trung ương Ðảng lại không biết chuyện ông Hồ đã dùng tên giả, tự tay mình viết sách (không phải chỉ một cuốn!), viết báo (không phải chỉ một bài) để ca tụng mình? Lẽ nào ông lại không biết là trong sách do ông Hồ viết, chính ông Hồ đã tự tôn vinh “Hồ Chủ tịch là Cha già dân tộc”? Nếu ông biết thì xin ông trả lời thành thật: “Thế thì Bác Hồ của ông đặt dân trên Bác hay Bác trên dân”?

Ông Tố Hữu cố tình quên là trước đây chính ông và “đội quân” tuyên huấn của ông là những kẻ gieo rắc tệ sùng bái cá nhân ông Hồ tích cực nhất, lắm khi đến lố bịch. Chắc ông Tố Hữu cố quên chuyện thật này: hồi đầu năm 60, một số người Hà Nội đã đề nghị dựng tượng các anh hùng dân tộc Lê Lợi và Nguyễn Trãi tại thủ đô Hà Nội, thì chính ông Tố Hữu đã bác đi và nói: “Chỉ khi nào ở thủ đô dựng tượng Bác Hồ rồi thì lúc đó mới được dựng các tượng khác của các anh hùng dân tộc”!

Mà thực ra, chẳng đợi ban tuyên huấn đảng làm chuyện gieo rắc tệ sùng bái cá nhân ông Hồ, chính bản thân ông Hồ cũng đã tự mình làm việc đó thật hăng say. Chuyện đó không còn là điều “tối mật” nữa.

Biết rằng cái thế của mình không còn “hét ra lửa” như xưa, ông Tố Hữu tỏ ra dịu dàng, “độ lượng” (chữ này của nhà báo N.N.P.) đến cảm động khi nhận xét bài viết của Trần Ðăng Khoa:

- ... Nhưng thôi, bài viết thế là tốt... Viết như thế có gì đâu mà không phải với tôi. Ờ, mà tại sao có người lại tức giận hộ cho tôi nhỉ... Khoa phải cẩn thận lắm mới có thể vượt qua "Góc sân và khoảng trời" nhà mình. Từ đó đến nay đã 30 năm rồi còn gì. Vậy mà sau lưng Khoa trống đấy. Cháu là công an hả, phải thổi còi cho Khoa thôi. Nhưng đừng để nó giật mình, ngã xe nhé!
Và anh công an đã thổi còi... Còn chúng ta đưọc thấy thêm vài nét nữa trên chân dung của Tố Hữu.

CHÂN DUNG ÔNG TỐ HỮU
(TRANH KHẢM)

Sau khi "Chân dung ông Tố Hữu" được đăng báo, người viết nhận được hồi âm của khá nhiều bạn đọc từ các nơi gửi đến góp ý kiến và bổ sung thêm nhiều chuyện mới khắc họa thêm những nét sống động cho chân dung. Người viết xin chân thành cảm tạ các bạn và xin phép chép ra đây mấy bài. Chúng tôi cố giữ nguyên phong cách, ngôn từ của các bạn gửi bài.

Cây táo ông Lành

Một bạn trong nước nói rõ bài “Tên Lành mà dạ chẳng lành...” lưu truyền từ hồi cuối những năm 70 và kể thêm một chuyện sau:
Năm 1974, nhân dịp ngày quốc tế thiếu nhi (ngày 1/6), tuần báo Văn nghệ có đăng truyện ngắn "Cây táo ông Lành". Chuyện kể về một ông già tên là Lành, có cây táo mọc trong vườn sát đường đi học của lũ trẻ trong làng. Bọn học trò thường vít cành bứt quả khiến ông bực tức và dùng vải đen tạo ra một ổ kiến lửa trên cây, dọa trẻ con. Lũ trẻ con trông tổ kiến giống đầu lâu đen sợ hãi, và tránh, đi lối khác, "không đi theo con đường ông Lành nữa". Lão Lành giữ được cây táo thì mất lũ trẻ con ríu rít hàng ngày qua lại. Lão tìm cách giải thích cho trẻ con đấy không phải là đầu lâu đen, nhưng chẳng đứa trẻ nào tin.

Tên cúng cơm của ông Tố Hữu là Lành. Hồi đó, ông đang ở trên “đỉnh cao muôn trượng” của quyền lực, thế là họ truy tìm lý lịch người viết. Lũ bồi bút "phê bình" văn học mang kính lúp ra soi, nào là "đầu lâu đen" viết tắt là ÐLÐ, ám chỉ Ðảng Lao động Việt nam, nào là "không đi theo con đường ông Lành nữa", nghĩa là không đi theo con đường của Ðảng...Tác giả bài báo phải “chịu sóng gió” một thời, nhưng may thay, anh là một thương binh có hạng, không thì cũng khó sống yên với họ.

"Khơi lại những ý thích tầm thường"

Một bạn khác cũng ở trong nước kể lại:

Dạo ấy, Nguyễn Tuân bị Tố Hữu phê phán nặng vì bài “phở” và “giò lụa” với tội danh “tư tưởng hưởng lạc”, “tầm phào”, “khơi lại những ý thích tầm thường”. Chuyện đó xảy ra sau khi quân ta vào Hà Nội vài năm, nên cái “tội” có “tư tưởng hưởng lạc”, “khơi lại ý thức tầm thường” là nặng lắm, vì nó thuộc về lập trường giai cấp, đó là biểu hiện tư tưởng tư sản, tiểu tư sản, biểu hiện sút kém tinh thần cách mạng, điều mà Lê Duẩn thường “lên gân” nhắc nhở cán bộ.

Thế nhưng, vào thời đó ở Miền Bắc, người ta (cụ thể là ban bảo vệ sức khỏe lãnh đạo, được lập nên do sáng kiến của Lê Ðức Thọ và Trần Quốc Hoàn) cũng đã bí mật... “khơi lại những ý thích tầm thường” và “tư tưởng hưởng lạc”... cho “các cụ” lãnh đạo. Không phải bằng văn học như Nguyễn Tuân, mà “bằng công việc thiết thực”, tức là tuyển dụng các cô gái trẻ để thành lập khoa “lý liệu pháp” hay về sau đổi tên là “vật lý trị liệu” (tiền thân của massage - xoa bóp - sau này) chuyên “phục vụ” cho “các cụ” lãnh đạo. Bọn quân sư lý luận rằng “cơ thể là một khối thống nhất” cho nên phải làm “thức tỉnh” tất cả các cơ quan chức năng của “các cụ” để các cụ minh mẫn đưa dân ta ra khỏi con đường lầm than.

Ðứa con trai nhỏ “ngoài giá thú” của Ba Duẩn sinh hạ chính là trong dịp này. Chuyện ồn lên ở Hà Nội một dạo. Sau phải đưa cả hai mẹ con đứa bé vào Miền Trung bộ Việt Nam sống. Nghe nói năm 1986 khi Lê Duẩn chết, cô ta ra dự tang và xuất hiện trên màn ảnh TV.

Ao cá Bác Hồ

Chuyện này cũng do một bạn trong nước gửi cho:

Năm 1979, trong nước rộn lên phong trào “Ao cá Bác Hồ”, tác giả chính là Tố Hữu. Chuyện thế này: ở các vùng thôn quê, người ta huy động thanh thiếu niên đào ao cá Bác Hồ, cá giống được các bô lão thuê xe ca “Ba Ðình” gióng trống mở cờ lên tận nhà sàn Bác nhận cá giống. Ðúng là cá “thần” thật, chỉ một vài chục con thả xuống, sau thời gian ngắn đàn cá sinh sôi nảy nở phục vụ cho dân làng lễ Tết. Trước đó, từng gia đình người ta thả cá ở ao nhưng... ít khi được xơi. Lý do thì nhiều: nào là mưa to, cá trôi sạch, nào là bọn đạo chích câu trộm, nào là cá chết vì bệnh... Vì thế sáng kiến của Tố Hữu được báo chí khen rầm rộ. Lạ lùng thế này: trường đại học thủy sản, đào tạo các kỹ sư nuôi cá nước mặn, nước ngọt, nước lợ... mà không con nào sống cả, nhưng chỉ vài con cá “thần” lấy từ ao ông Hồ về thì cá lớn nhanh, khoẻ re. Sao không đóng mẹ nó cửa cái trường đào tạo ra rặt bọn ăn hại đái nát ấy đi? Hay là duy tâm thắng duy vật rồi?

Nhưng Tố Hữu đâu có biết rằng (hoặc biết mà lờ đi? - người đánh máy) sau khi thả “cá giống Bác Hồ” thì chủ nhiệm hợp tác xã cũng phải xuất thóc mua hàng tạ cá giống khác ném tiếp xuống ao, cử một xã viên ăn công điểm hẳn hoi ngày ngày giã cám vứt xuống ao nuôi chúng. Dân quân được lệnh 24/24 giờ trông coi ao cẩn thận. Nếu mưa to, cá bỏ đi mất thì... xuất tiền mua bù bỏ vào để khỏi bay cái chức chủ nhiệm.

Tại ao cá Bác Hồ nằm phía sau Nhà hát nhân dân thành phố Hải phòng, giáp với ngõ Ðồng Lùn (quê hương của anh bạn tôi) đã xảy ra thảm cảnh. Tự vệ trông hồ cá đã nổ súng vào bọn đánh cá trộm ban đêm. Không trúng trộm, mà trúng ngay bà cụ 70 tuổi nằm hóng mát ven hồ. May mà lũ con bà cụ không làm to chuyện, sáu mâm cỗ và cỗ quan tài là... xong việc.
Giá như Bác Hồ, ngoài việc biết nuôi cá, lại biết làm thêm xe máy, ôtô, máy bay, TV ... để Tố Hữu “vận dụng” theo kiểu “ao cá Bác Hồ” thì... chắc dân ta không mạt vận như thế này!

Tố Hữu thương thanh niên Pháp

Một bạn hiện đang tị nạn ở Ðức gửi thư kể chuyện này:

Sau khi dự đại đại hội Ðảng cộng sản Pháp, về nước Tố Hữu thường tỏ lòng thương thế hệ trẻ Pháp. Trong buổi gặp mặt thanh niên ở Hà Nội, ông nói như sau: "Thật thương cho thế hệ trẻ ở Pháp có cuộc sống vật chất đầy đủ, nhưng còn thiếu ánh sáng của chủ nghĩa xã hội soi rọi để sống có lý tưởng" (!)

Thế mà bây giờ con gái Tố Hữu tên là Hoa, phó tiến sĩ sinh vật học đang cùng chồng là Châu (tiến sĩ cơ học) mang con cái sang ở Ðức, chỗ tăm tối thiếu ánh sáng của chủ nghĩa xã hội và có ý định sống lâu dài ở đó. Không thấy Tố Hữu thương con, thương cháu gọi chúng về nước... sống dưới ánh sáng của chủ nghĩa xã hội!

Chỉ sợ các Bác không buông quang gánh ra thôi

Một bạn đã từng đi học ở Czechoslovakia (Tiệp Khắc) kể lại chuyện thật mà anh đã chứng kiến sau đây:

Hè năm 1981, Tố Hữu lúc đó là Phó thủ tướng thường trực, sang thăm một số nước Châu Âu. Hồi đó, Tố Hữu thay quyền hạn Phạm Văn Ðồng, nên kiêu lắm. Tại Prague (thủ đô của Czechoslovakia), có cuộc gặp gỡ và nói chuyện với sinh viên. Khi ra về, Tố Hữu lên giọng "lãnh tụ" cũng tự xưng là “bác” như... ai: "Bác và các đồng chí lãnh đạo đang gồng mình gánh vác gánh nặng khó khăn của đất nước, các cháu cần phải học hành chăm chỉ để sau này thay thế các Bác gánh vác gánh nặng ấy. Các cháu đã sẵn sàng chưa?"
Một sinh viên lớn tuổi nhất trong đám đông trả lời ngay tắp lự: "Chúng cháu đã sẵn sàng cả rồi, chỉ sợ các Bác không buông quang gánh ra thôi". Tố Hữu tím mặt, tọt ngay vào xe, chuồn thẳng. Khốn khổ cho anh chàng bạo miệng! Tố Hữu về đến Hà Nội thì anh này bị sứ quán gọi lên và trục xuất về nước ngay.

Cái nhầm... đáng yêu

Một cụ già về hưu đã gửi cho mẩu chuyện này:

Vào những năm 70, nhà thơ "mẹ mìn" của chúng ta bỗng dưng sáng chói trên chính trường Việt Nam, với chức Phó thủ tướng thường trực. Theo lời đồn đại của dân chúng thì ông còn được "dự kiến" làm Tổng bí thư Ðảng, kế vị Lê Duẩn. Thế mà sau cái chết của Lê Duẩn vào năm 1976, khúc sông chính trị bỗng nhiên nổi sóng, khiến cho Tố Hữu lặn mất tăm, không còn vai vế gì trong Ðảng. Tố Hữu sống ở ngôi nhà khá đẹp trên phố Phan Ðình Phùng. Ðã thấu hiểu phương châm "sóng trước vỗ đâu, sóng sau vỗ đó" của các "chiến hữu", Tố Hữu lo xa đến ngày phải rời tổ ấm chuyển đi căn hộ "lắp ghép" với "song sắt chuồng cọp", bèn nẩy kế xin một khoảnh đất đẹp ở Hồ Tây để... xây nhà trong lúc tình cảm đồng chí còn chưa hết hơi nồng.
Tố Hữu đã nhầm to, chẳng có ai "thu" lại ngôi nhà to đùng ở phố Phan Ðình Phùng, như ông nghĩ, nên ông vẫn ung dung "tọa lạc" ở đó. Còn ngôi nhà to đùng mới xây "thừa ra" ở Hồ Tây đành phải cho thuê lấy 2000USD/tháng, phụ thêm khoản rau dưa cho bà Thanh (v
ong) đi chợ.


Cái nhầm đáng yêu của ông Lành không ngờ mang lại hiệu quả lớn!

* * *

Những mẩu chuyện trên đây ghép lại thành bức tranh khảm, xin gửi tặng các bạn.

Thanh Phong