Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2009

No13: Truyền thông VN sợ 'Trung Quốc'?



Trên các báo chí của truyền thông nhà nước Việt nam người ta thường tránh né từ Trung quốc khi nhắc tới những vấn đề nhạy cảm trong quan hệ hai nước.

Qua một số sự kiện liên quan đến Trung quốc trên truyền thông của VN từ đầu năm đến nay người ta nhận thấy truyền thông nhà nước cố tình tránh né khi nhắc tới tên anh láng giềng khổng lồ này.

Xin dẫn một số ví dụ:

1.Ngày kỷ niệm 30 năm cuộc chiến Việt Trung, 17/2/2009 vừa qua và đây là phép thử đối với sự can đảm của truyền thông Việt Nam.

Những bài viết công phu và có lửa về các biến cố ở biên giới phía Bắc cách đây ba thập niên đã xuất hiện nhiều trên blog và trên truyền thông ở ngoài Việt Nam.

Nhưng các tờ báo chính thống của truyền thông nhà nước hoàn toán im hơi lặng tiếng .

2.Khi Thủ tướng Ôn Gia Bảo của Trung Quốc bị ném giày ở Đại học Cambridge thứ Hai tuần trước, hầu như không tờ báo nào của Việt Nam đưa tin.

Cho tới cuối tuần đó mới có một bài báo nói về điều được gọi là ''văn hóa quái dị'' của chuyện ném giầy và trong đó ông Ôn Gia Bảo được nhắc tới với tên ''thủ tướng của một nước''.

Trong khi đó trong cùng bài viết, tên của một đại sứ Israel bị ném giầy và dĩ nhiên tên của Tổng thống George W. Bush được tác giả bài viết đề cập tới.

3.Sự kiện tàu Trung quốc đâm vào tàu cá VN được đưa tin là "tàu lạ của nước ngoài" mà ai cũng biết rằng đó là hành động cảnh cáo của Trung quốc sau khi tuyên bố"Cấm đánh cá trên biển đông".

4.Một số bài báo khi nói đến các nghĩa trang liệt sĩ ở biên giới phía bắc có nhắc tới các bia mộ của các liệt sĩ thì nói liệt sĩ chống Pháp,liệt sĩ chống Mỹ và liệt sĩ chống Trung quốc thì được ghi là liệt sĩ hy sinh vì bảo vệ Tổ quốc???

Trước đó cũng đã có nhiều cơ sở để tin rằng truyền thông Việt Nam có sự sợ hãi khi nhắc tới hai chữ Trung Quốc trong những tình huống mà họ sợ rằng Bắc Kinh có thể phật lòng.

Cho dù đó là các vụ bê bối, những chỉ trích Trung Quốc của thế giới hay những cuộc biểu tình phản đối của chính Việt Nam.

Thái độ này khác hẳn với các diễn biến của những năm 79/80, khi mà những lời hát ''quân xâm lược bành trướng dã man đã dày xéo mảnh đất tiền tiêu. Lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp dải biên cương... '' vang vang khắp nơi.

Há miệng mắc quai

Nhưng có lẽ truyền thông ngày nay chỉ sợ chỉ trích có Trung Quốc ngoài nỗi sợ 'miệng nhà quan có gang có thép'.

Mỗi dịp 30/4 hàng năm người ta chẳng hề ngại khi nhắc tới thành tích 'oanh liệt' của miền Bắc đối với Mỹ (mà trên thực tế là đối với người Việt).

Sự kiểm duyệt truyền thông của Việt Nam chỉ làm cho ngành này trông thiểu não khi đứng cạnh truyền thông quốc tế.

Thế nhưng liệu đại sứ Việt Nam ở Trung Quốc sẽ giải thích thế nào nếu bị triệu đến khi đài báo Việt Nam chỉ trích Bắc Kinh?

Giá như họ không kiểm soát truyền thông có lẽ Việt Nam đã có thể nói rằng báo chí tư nhân hoạt động theo luật pháp và họ không vi phạm luật nên không can thiệp nổi.

Nhưng sự khao khát kiểm soát của nhà cầm quyền đã khiến họ há miệng mắc quai.

Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2009

No 12: KHI CUỘC SÁT HẠCH MỚI MỞ ĐẦU

Kỳ 5 của Quốc hội trong nước đã qua 10 ngày họp đầu trong 30 ngày dự định. Chưa có kỳ họp nào được dư luận và cử tri quan tâm theo dõi như kỳ họp này, dù ai cũng biết quốc hội do nhóm lãnh đạo của đảng CS chọn lựa để ép dân đi bầu không có lựa chọn, chẳng thể phản ánh nguyện vọng và lợi ích của người dân.

Vào năm 2009 này, đã có một số yếu tố mới trong hiện tình đất nước. Sau khi mở cửa, gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế WTO, sau khi đảng độc quyền buộc phải cam kết tôn trọng nhân quyền và luật pháp quốc tế, dân trí xã hội được nâng lên rõ rệt, nỗi sợ cường quyền cố hữu giảm hẳn, một xã hội dân sự bắt đầu hình thành, lớn dần, loang dần, tự khẳng định ngày một rõ, bất chấp sự ngăn cản, lườm nguýt, cay cú của nhóm quan chức trên đỉnh cao quyền lực và một số bộ hạ của họ.

Kỳ họp quốc hội này là cuộc sát hạch nghiêm ngặt đối với 493 đại biểu, xem ai tự coi là đại biểu của nhân dân, ở cơ quan quyền lực cao nhất, giữ lời hứa với cử tri, coi trọng quyền lợi của nhân dân, dám nói thẳng, nói thật điều mình tin là đúng; và ai vẫn là "nghị gật", suốt kỳ họp không nói được một câu nào, một ý nào có ích, ngậm miệng ăn tiền, hay chỉ nói những điều êm tai cấp trên, quay lưng lại nhân dân và cử tri, theo kiểu "sống chết mặc bay, ghế ông ông giữ ! ".

Đây còn là cuộc khảo sát chính phủ do ông Nguyễn Tấn Dũng cầm đầu cùng một loạt bộ trưởng có liên quan đến dự án Bauxít, và cuối cùng là cuộc khảo nghiệm sự lãnh đạo của bộ chính trị gồm 15 con người độc quyền cai trị đất nước, trước con mắt quan sát chặt chẽ của toàn dân và cả thế giới.

Qua 10 ngày họp khá sôi nổi, có thể rút ra những nhận xét sốt dẻo gì ?

Trước hết đã có một số đại biểu (ĐB) mạnh dạn lên tiếng về vấn đề Bauxít, một vấn đề mà chính quyền và bộ chính trị muốn tránh né, muốn lẩn như trạch, ngăn cấm không cho báo đài đưa tin, bàn luận suốt 4 tháng ròng; 3 người lên tiếng khá mạnh là các ĐB Nguyễn Minh Thuyết, Nguyễn Lân Dũng và Dương Trung Quốc. ĐB Thuyết chứng minh dự án không mang lại lợi ích kinh tế mà có thể lỗ rất to nếu tính cả việc làm đường sắt 300 km, từ độ cao 700 mét xuống cảng Kê Gà (tốn 3,1 tỷ đôla); tai họa môi trường do bụi đỏ và bủn đỏ sẽ lưu cữu lâu dài như quả bom bùn 1,5 tỷ tấn; vấn đề an ninh quốc phòng tại "mái nhà của đất nước", giữa vùng chiến lược trọng yếu là Tây Nguyên là cực kỳ hiểm nguy. Cả 3 vấn đề lớn ấy đều chưa có lời giải rõ ràng. ĐB Thuyết chỉ rõ ý định lẩn tránh thảo luận tại quốc hội, lẩn tránh sự giám sát của quốc hội là hành vi "lách luật", nghĩa là hành vi phạm pháp, xấu xa đen tối, không thể chấp nhận được. ĐB Dũng chỉ rõ quyền giám sát của Quốc hội đối với đại dự án Bauxít theo các tiêu chuẩn đã được xác định; quốc hội cần phải vào cuộc, dân chủ bàn bạc, giám sát chặt chẽ từng bước. ĐB Quốc nhận xét báo cáo chính phủ tập trung ứng phó với bão táp kinh tế tài chính là cần thiết, nhưng sao không báo cáo về bão táp ngoài biển đông, quan hệ đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, do đó " báo cáo của chính phủ chưa tương xứng với độ nóng của tình hình thực tiễn ". Ông chỉ rõ vấn đề khai thác Bauxít hệ trọng, được cả nước quan tâm đặc biệt, chỉ được có "vài dòng lướt qua" trong báo cáo của chính phủ. Ông cũng phê phán : sau 2 ngày quốc hội họp, chính phủ mới gửi báo cáo về vấn đề khai thác Bauxít, lại ủy quyền cho bộ trưởng thương mại thảo và ký,"đó là tư duy đối phó nhiều hơn là nhận thức đúng tầm quan trọng của vấn đề ". Ông phàn nàn là Đại tướng Võ nguyên Giáp gửi lá thư thứ 3 cho Quốc hội từ ngày 20, mà nay sau 4 hôm nhiều ĐB vẫn chưa biết; đó là lá thư yêu cầu khẩn thiết ngừng hẳn việc khai thác Bauxít kể cả ngừng việc làm thí điểm, vì hiểm họa rõ ràng về mọi mặt. Cuối cùng (nhân danh nhà sử học) ông mong có dịp trình bày cho chính phủ hiểu rõ lịch sử hình thành của địa bàn chiến lược Tây Nguyên.

Phối hợp với diễn đàn quốc hội, mạng Bauxite Việtnam.info đăng ngay bài xã luận

Độ tin cậy của một bản báo cáo, chỉ rõ bản báo cáo của chính phủ thiếu thẳng thắn ngay thật, mang tính chất đối phó, lại thiếu chính danh vì giao cho một bộ trưởng thảo và ký, mà bộ trưởng này đang mất uy tín lớn do đã để cho mạng thông tin của bộ này phối hợp với bộ thương mại Trung quốc đưa những thông tin đi ngược lại quan điểm về chủ quyền, lãnh thổ của nước ta (một tội hình sự nặng có thể bị truy tố). Bài xã luận phê phán bản báo cáo dùng luận điệu quanh co, chỉ hứa hẹn mà không có cơ sở, không có sức thuyết phục.

Nhân danh các nhà khoa học am hiểu vấn đề, 4 giáo sư tiến sỹ Đỗ Bá Thành, Lê Quốc Thanh, Trần Minh Trí, Hoàng Tâm Quang phản biện toàn diện bản báo cáo của chính phủ (trên mạng BauxiteVietnam info), đánh giá bản báo cáo không ngang tầm hiểu biết khoa học cần thiết, thiếu dẫn chứng kinh nghiệm thực tế, thiếu ứng dụng cụ thể cho địa bàn Tây nguyên, lại còn vi phạm hiến pháp, vi phạm luật pháp, vi phạm trình tự nghiêm chỉnh chuẩn bị, xây dựng, bàn luận, xét duyệt dự án, thiếu đề án tiền khả thi tuyệt đối cần thiết...

Trong và ngoài quốc hội, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị phê phán là thiếu coi trọng quốc hội, báo cáo phớt lờ vấn đề nóng hổi ở biển Đông, báo cáo quá sơ sài vấn đề khai thác bauxít, ủy nhiệm một bộ trưởng có vấn đề, thiếu tư cách để thay mặt chính phủ; ông từng hứa với tướng Giáp là chính phủ xin nghe theo lời khuyên ... đê ngay ngày hôm sau nói ngược hẳn lại ! Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng bị nhận xét là không nắm được vấn đề, không am hiểu quyền hạn, trách nhiệm của quốc hội. Cho đến tổng bí thư Nông Đức Mạnh cũng bị nêu lên là vì sao một vấn đề trọng yếu chưa được chính phủ quyết định, chưa được quốc hội bàn luận thông qua mà từ năm 2001 đã sớm sủa vội vã đưa một dự án vào bản tuyên bố chung với phía Trung quốc ? Sao lại có sự lộn xộn, không theo phép nước đến vậy.

Một loạt bộ trưởng và quan chức bị các đại biểu và công luận điểm danh, như bộ trưởng tài nguyên và môi trường đã chậm thấy thảm họa môi trường ở sông Đồng nai do công ty Vedan gây nên, nay lại không ngang tầm đối với tai họa Bauxít; như bộ trưởng kế hoạch và đầu tư không quản chặt trình tự xây dựng dự án theo luật định; như bộ trưởng lao động ú ớ mù mờ không biết lao động nước ngoài ở mỗi địa bàn là bao nhiêu, bao nhiêu là lao động phổ thông?

Có thể nói kỳ họp quốc hội hiện tại mới ở đoạn đầu đã có nhiều nét khác trước. Trước kia,các ông bà nghị chỉ quen vỗ tay và gật. Vì bao giờ bộ chính trị cũng "vô cùng sáng suốt"; bao giờ thủ tướng và cả chính phủ cũng "đúng đắn", "am hiểu sâu sắc tình hình" và có những "quyết định chuẩn xác" làm "xoay chuyển tình thế tốt đẹp". Bao giờ đảng, chính phủ, quốc hội, mặt trận và nhân dân cũng đoàn kết thành một khối thống nhất, vững chắc như bàn thạch(!). Người dân gọi mỗi cuộc họp là một đại hội của các khẩu hiệu học thuộc lòng, tóm tắt là : đảng chỉ tay, mặt trận vỗ tay, quốc hội dơ tay, và kết quả là nhân dân trắng tay và gánh đủ mọi tai ương.

Lần này, cuộc họp quốc hội đã không còn như trước. Danh từ "phản biện" xưa kia cấm kỵ, kiêng kỵ, bị gán cho là một danh từ phản động (!), thì nay được công khai lắp đi lắp lại, như một việc làm cần thiết, khoa học, hợp đạo lý, hợp lòng người.

Từ nay, các đại biểu có thể công khai nói to rằng : đảng, chính phủ, thủ tướng ... đã phạm sai lầm, đã vội vã, lầm lẫn, đã thiếu trách nhiệm, đã vi phạm hiến pháp, đã vi phạm luật, đã ứng phó, đã đối phó, đã thiếu chính danh, đã không thành thực, đã làm sai ở vấn đề này, ở trường hợp kia, ở điểm cụ thể khác, v.v... và v.v...

Sau 10 ngày tập sự dân chủ, còn 20 ngày nữa sẽ ra sao? Vấn đề Bauxite nổi cộm sẽ đi đến kết luận như thế nào, sẽ ngả ngũ ra sao đây ?

Có thể có nhiều khả năng, ở những mức độ khác nhau.

Khả năng cao nhất là ngưng hẳn mọi dự án, ngừng cả những thí diểm, chuyển sang đầu tư theo chiều sâu cho phương án Tây Nguyên Xanh, trồng lại rừng, tăng năng xuất cây công nghiệp, mở rộng mạng lưới thuỷ điện vừa và nhỏ, xây gấp đường sá, trường học, trường dạy nghề, bệnh viện, bệnh xá, vườn trẻ, nhà văn hoá... Để dành tài nguyên Bauxite cho tương lai khi đã có đủ tài, đủ tiền để khai thác có lợi nhất. Chỉ có thể đạt khả năng này khi tinh thần độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia được khẳng định mạnh mẽ.

Khả năng thứ hai là có sự nhân nhượng và thoả hiệp - consensus -. Không ngừng hẳn, cũng không làm bằng mọi giá. Phải điều chỉnh kế hoạch hiện tại. Hãm bớt tốc độ một số dự án. Trong khả năng này, có thể có nhiều mức độ khác nhau. Có thể chỉ làm thí điểm trong 1, 2 năm trước mắt. Trong khả năng này, cần có sự giám sát chặt chẽ của công luận, của các nhà khoa học sáng suốt để phát hiện những kẽ hở, những mưu đồ làm chui, xé rào, gian xảo. Đây có thể coi là thắng lợi bước đầu của trào lưu dân chủ, của xã hội dân sự đang trên quá trình hình thành.

Khả năng sau cùng là do sự khiếp nhược của bộ chinh trị đối với nước láng giềng, họ sẽ giả bộ lùi để mua thời gian, rồi đâu sẽ vào đấy, với luận điệu là "toàn dân Tây nguyên đều mong muốn " (!), như ĐB Lâm đồng và Đak Nông khẳng định một cách hàm hồ và lạc lõng. Khả năng này sẽ khiêu khích các nhà khoa học sáng suốt và khiêu khích thế lực dân chủ, kích thích sự phản kháng, kích thích sự phát triển của xã hội dân chủ. Bộ chính trị vẫn chỉ coi quốc hội như vật trang trí.

Trong 3 tuần lễ còn lại, đoàn chủ tịch kỳ họp có thể viện cớ bận thông qua quá nhiều luật (như các Luật cơ yếu, điện ảnh, dân quân tự vệ, người cao tuổi, sở hữu trí tuệ, viễn thông, quản lý thuế, di sản văn hoá, khám bệnh chữa bệnh ...) để hạn chế bàn về Bauxít, để tránh né một cuộc bỏ phiếu về ngừng hay tiếp tục các dự án Bauxít; nhưng quốc hội có toàn quyền điều chỉnh thời gian cũng như về nội dung thảo luận và biểu quyết.

Việc bàn về chống tham nhũng sẽ có ít nhiều sóng gió, khi vụ PMU 18 sau 3 năm vẫn lây bây, khi vụ PCI với bị can Huỳnh Ngọc Sỹ còn bị che kín, khi vụ "đề án 112 của chính phủ" tổn phí 247 tỷ đồng đang bị chìm, vụ ăn hối lộ 10 triệu đôla Úc khi in tiền của con ngài cựu thống đốc ngân hàng vừa vỡ lở; người dân chờ xem ông thủ tướng kiêm trưởng ban phòng chống tham nhũng sẽ ăn nói ra sao với các ĐB quốc hội về quyết tâm (!) trị tham nhũng vừa qua của ông.

Trong 3 tuần lễ còn lại của kỳ họp quốc hội, sẽ còn có bao nhiêu, - ít hay nhiều ĐB dám nói lên tiếng nói của chính mình, bảo vệ lẽ phải và quyền lợi của nhân dân ? đây còn là một ẩn số; ẩn số này có thể tác động đến kết quả cuối cùng của kỳ họp quốc hội, một kỳ họp khá sôi nổi, do bước đầu làm quen với phản biện, mà người dự để quan sát không còn phải ngủ gật dài dài như trước đây.

No 11:Tan Hoang Cửa Nhà



Ký sự của Bút Thép

Trong hai ngày 20 và 21 tháng 5 năm 2009 vừa qua, chính quyền quận 9 đã thực hiện thành công tốt đẹp công cuộc cưỡng chế phá nhà đoạt đất của hai gia đình lương dân đang sinh sống yên bình. Bất chấp các khiếu nại của người dân chưa được giải quyết thỏa đáng, bất chấp sự phản đối trong tuyệt vọng của gia đình các nạn nhân và bất chấp lời nguyền rũa phỉ nhổ của hàng trăm người dân ở quận 9. Khôi hài hơn, sau khi cưỡng chế, những người trong chính quyền còn gặp gia đình các nạn nhân để chia buồn và bài tỏ sự xót xa cảnh màn trời chiếu đất do chính họ tạo ra cho các nạn nhân [?????!!!!].

Hai là đình bị cưỡng chế đó là gia đình ông Sáu Ngữ [ Nguyễn Xuân Ngữ, ngụ tại 166/6 Mỹ Thành, phường Long Thạnh Mỹ, Quận 9, tp sài Gòn. Tel: 0084 08 3887 1302 hoặc mobil: 0913777040] và gia đình ông Hai Chùm [ Huỳnh Văn Chùm, ngụ tại 153/6 phường Long Thạnh Mỹ, quận 9, tp Sài Gòn. Tel: (0084 08) 3890 1548 ].

KHI CHANH CHỉ CÒN VỎ

Nhìn cơ ngơi của ông Sáu Ngữ nhiều người nhầm tưởng ông là một đại gia từ thành phố về mua đất lập trang trại dưỡng già. Không mấy ai biết rằng ông là người lính trở về từ chiến trường với hai bàn tay trắng. Khi về hưu, theo lời kêu gọi phát triển kinh tế của đảng cộng sản nên ông đã bán hết tài sản, mượn vốn của bạn bè và vay thêm tiền ngân hàng để về quận 9 lập nghiệp. Ông mua hơn 3.600 mét vuông đất hoang hóa, sình lấy, nhiễm phèn để xây dựng trang trại. Khi ông mua, đất của ông nằm trong quy hoạch nhà vườn sinh thái nên chính quyền quận 9 cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp do ông làm chủ. Và ông đã vay thêm tiền để đầu tư thành trang trại nhà vườn sinh thái rất đẹp. Trang trại của ông được xây tường bê tông cốt thép kiên cố bao bọc. Bên trong có hồ nước bao quanh tiểu đảo nuôi gấu, trăn, nhím,… dưới hồ nuôi thủy đặc sản: ba ba, rùa, cá chình, chép, bống mú,… Khu chuồng trại nuôi hàng trăm gà tây, gà ta, ngỗng,… Trong vườn ông trồng nhiều loại thuốc nam như sake, đinh lăng, diệp hạ châu,… và nhiều cây ăn trái khác như mít, xoài, ổi, bưởi , , mận,… Ngoài ra ông còn có khu nuôi ươm trứng baba, mỗi năm có thể ươm hàng chục ngàn con giống baba con. Nhìn cơ nghiệp đó, người ta có thể nghĩ rằng ông sẽ được an nhàn hưởng thụ tuổi già.

Ai có ngờ đâu tai họa giáng xuống gia đình ông từ chính những người mà ông gọi là đồng chí. Cơ ngơi đầu tư trị giá cả ngàn lượng vàng chưa trả hết nợ ngân hàng và nợ vay của bạn bè thì chính quyền quận 9 ra quyết định thu hồi với lý do phục vụ dự án khu Công Nghệ Cao. Là một cựu chiến binh và cũng từng là đảng viên cộng sản nên ông sẳn sàng chấp hành quyết định của chính quyền với điều kiện phải đền bù thỏa đáng với mức đầu tư của ông theo thời giá thị trường. Không thể nào chấp nhận giá đền bù của chính quyền quận 9 chỉ tương đương gần 50 lượng vàng. Vì như thế thì ông lấy đâu ra tiền để bù lại tiền vay ngân hàng đã đầu tư. Ông đã kêu gọi khắp các cơ quan của nhà nước nhằm mong muốn họ giải quyết công bằng cho ông nhưng vô ích. Hơn 4 năm nay không ai giải quyết cho ông. Cho dù ông viện dẫn các điều luật hiện hành thì người ta cũng phớt lờ. Và chính quyền quận 9 đã tung quân tàn phá cơ ngơi của ông trong sự tuyệt vọng và quẫn trí của ông và các con của ông.

Anh Út, một người dân cùng xóm, kể lại:” Tội nghiệp lắm, hôm qua ổng như người mất trí vậy. chạy tới chạy lui mất hồn, không biết phải làm gì. Tụi nó thì chỉ biết làm theo lệnh. Xe ủi húc cửa, cào nhà , xô tường ngã tan nát hết. Nhà mái tole của ổng chúng nó ủi bay xuống ao, cây cối cưa ngang ngã gục xuống hồ nước. Gấu của ổng tụi nó bắn thuốc mê rồi chở đi. Cá dưới hồ không kịp lưới lên, cây cối ngã xuống vài bữa là chết sạch. Thiệt nhìn cảnh dã man hết chổ nói. Hơn cả chiến tranh. ”.

Anh Quẩn nói:” Dân muốn đến xem là bị đuổi đi. Ai lạng quạng là bị bắt quăng lên xe bít bùng. Tôi vô được một lát cũng bị hai thằng công an kè xốc nách lôi ra”.

Tôi hỏi:” bà con mình có ai chụp được tấm hình nào không ?”.

Một người trả lời:” Làm sao chụp được, tụi nó đông như kiến. Ai chụp hình là chúng nó giật máy ngay. Con ông Sáu Ngữ chụp hình cũng bị tịch thu xóa sạch. Hủy hết. Không để lại chứng cứ gì mà. Có hình để mấy ông tung lên mạng tố cáo chúng nó à? Bây giờ tụi nó khôn lắm rồi”.

Ông Sáu Ngữ kể:” Tôi quay phim chụp hình được nhiều lắm, như chiều hôm qua chúng nó tước lấy máy tôi rồi xóa sạch.”.

Tôi hỏi ông Sáu Ngữ:” Tình hình sao rồi chú?”. [Hỏi rồi mới thấy mình hơi bị vô duyên].

Ông nói như vô hồn:” Tan nát hết. Đang gom sắt vụn bán ve chai. Có cách nào tố cáo lên báo đài quốc tế không? Báo chí trong nước mời không ai dám xuống. Hôm qua có phóng viên báo Quân đội nhân dân đến xem, không biết có dám viết không? ”.

Tôi xót xa nhìn nhà cửa cây cối tan hoang mà hỏi vớt vát:” Sao chú không xin họ cho thời gian ít hôm rồi mình tự tháo cho đỡ hư hao ? ”.

Ông già trên 70 muốn khóc:” Tôi như chanh chỉ còn vỏ, họ nào cần nữa. Vứt càng sớm càng tốt đấy mà. Chúng nó có tâm đâu mà xin với xỏ.”.

Ngưng một chút rồi ông nói thêm:” Chiều qua có hai thằng công an đến chia buồn với tôi. Chúng bảo xót xa lắm nhưng không biết phải làm thế nào.”.

Tôi nghe mà muốn văng tục. Bỉ ổi hết mức.

Người ta kể lại rằng con trai ông tưới xăng định tự thiêu thì công an ập đến bắt lên xe chở đi. Thế thì xem như các đồng chí công an quận 9 làm được việc tốt là cứu được một mạng người.

Một anh công an cảm thấy bất nhẫn nên bỏ ra quán uống bia, anh tâm sự: ”Tôi không liên quan gì đến vụ này mà cấp trên cũng lệnh phải đi. Biết làm sao được. Mình không làm lại chúng nó đâu. Bẻ nạn chống trời sao được. Đi vầy tôi được thưởng 100.000 với một hộp cơm trưa.”. Anh này chắc còn chút lương tri nên cảm thấy xấu hổ. Thế là tốt.

Không biết những người đến phá nhà ông Sáu Ngữ có biết rằng họ cũng là những trái chanh đang bị vắt ? Khi chỉ còn vỏ thì có hơn gì ông Sáu Ngữ hay không ?

SAO KHÔNG CÒN BIẾT TÌNH LÝ ?

Láng giềng cùng cảnh tang thương như ông Sáu Ngữ là gia đình ông Hai Chùm. Một gia đình nông dân nghèo sống nhiều đời ở địa phương. Ông Hai nuôi bò rất giỏi, có khi đàn bò của ông lên đến hơn hai chục con. Từ khi bị vướng quy hoạch ông phải bán bớt, chỉ còn lại vài con.

Ông mời tôi ngồi bên bụi trúc còn sót lại sau cuộc cưỡng chế hôm qua rồi kể:” Tôi nói chú nghe. Nhà tôi có 11 người. Tôi sống ở đây không phải mua thứ gì. Rau cỏ, cá mắm, lúa gạo, gà vịt tự gia đình cung cấp cho cuộc sống hàng ngày. Đây là 1300 mét vuông đất của tôi nhà nước muốn lấy thì cũng được. Nhưng nhà nước phải tái bố trí gia đình 3 đứa con tôi 3 cái nền riêng để chùng nó ở. Tôi cũng phải có chổ để ở riêng. Sao nhà nước không giải quyết tình lý gì cả vậy? Nhét cả gia đình tôi đi đâu đây? Tôi lấy gì mà sống? ”.

Rít một hơi thuốc ông than vãn:” Chú coi đó. Tôi xin nó để cái chuồng bò tôi ba bữa để tôi kêu người bán mà cũng không được. Phá sập hết. Con dâu tôi sanh mới 10 ngày mà nó cũng hốt lên xe cứu thương chở đi. Tôi khiếu nại lên đến thành phố rồi mà cũng không được. Tôi đâu có chống đâu, giải quyết đàng hoàng là tôi đi ngay, cần gì cưỡng chế ”.

Anh Mến, một người cùng xóm kể:” Ông Hai là một nông dân rặt của vùng này. Cả đời ông chăm chỉ, lam lũ làm ăn. Nghèo nhưng rất lương thiện. Không rượu chè cờ bạc, không mít lòng đến đứa con nít trong xóm. Bây giờ thì ông ấy mất hết ”.

Ông Hai chỉ ngôi nhà tường đổ nát nói thêm:” Chú coi. Có thua gì mùa hè đỏ lửa 1972. Thời chiến mà gia đình tôi không mất đất mất nhà. Nay thời bình mà nhà cửa của tôi tan nát hết”.

Ông Hai Chùm đứng dậy đi gom tole, cây vụn lại. Có lẽ để dành cất chòi. Không biết đất còn đâu mà cất. Cất ở đây thì ít hôm chính quyền cũng đến phá sập thôi.

LƯƠNG TRI CÒN NGƯỜI CÒN HAY MẤT ?

Nhìn cảnh nhà cửa của gia đình ông Sáu Ngữ và ông Hai Chùm thật là xót xa. Thật tình tôi cũng không biết an ủi họ thế nào để bớt đi nỗi đau mà họ đang gánh chịu. Tôi tự hỏi điều gì đang xảy ra trên quê hương tôi. Trong số thủ phạm gây ra nỗi đau cho họ có những người là cô chú tôi, anh em và bè bạn của tôi. Bình thường họ cũng là những con người không quá xấu xa ở mức dưới trung bình. Vậy mà khi họ phục vụ cho chính quyền cộng sản thì họ hoàn toàn khác hẳn. Họ biết là sai trái đấy. Nhưng họ lại đang tâm làm những điều sai trái. Họ phục vụ cho ai? Cho nhân dân hay cho bọn thẻ đỏ tim đen đang tiếm quyền hóa loài ngạ quỉ ? Có bao giờ họ thao thức vì những việc làm tội lỗi của họ không ? Ai cũng cho rằng bẻ nạn chống trời mà buông xuôi. Họ theo bọn cơ hội ức hiếp dân lành nhưng chính họ và gia đình của họ cũng đang bị bóc lột đến cùng kiệt. Vì cái gì ? Vì miếng cơm manh áo hàng ngày của vợ con chăng ? Vì chút quyền lực nhỏ nhoi để chèn ép những kẻ yếu thế hơn ? Lương tâm của họ đâu rồi ? Tính thiện trong mỗi con người của họ có còn không ?

Đến bao giờ thì những cảnh đau thương này không còn nữa ?

Tp Sài Gòn, 22/05/2009.

Bút Thép.

Bonus: Một số hình ảnh