Thứ Hai, 29 tháng 12, 2008

No7: CHÂN DUNG ÔNG TỐ HỮU

Thực ra, người viết đã nghĩ là sẽ không ghi chép, bình luận thêm gì về chân dung ông Tố Hữu nữa. Nhưng đọc báo trong nước, lại thấy ông Tố Hữu tự tô đậm thêm chân dung của ông một lần nữa, nên cũng xin chép lại để giới thiệu với các bạn. Số là, sau khi cuốn “Chân Dung Và Ðối Thoại” của Trần Ðăng Khoa ra mắt độc giả, dư luận trong nước khá xôn xao, bạn đọc kẻ khen người chê, người thì cho là Trần Ðăng Khoa mạnh dạn “xé rào” dám đưa ra một phần sự thật về các nhà văn, kẻ lại chê là tác giả “láo lếu” dám “xỏ ngầm” các bậc đàn anh khả kính. Tờ “An Ninh Thế Giới” (ANTG) quan tâm đến “an ninh văn hóa” nước nhà, đã cử nhà báo N.N.P. phỏng vấn ông Tố Hữu để xin ý kiến của ông về bài Trần Ðăng Khoa viết về ông. Trong ANTG số 117, có đăng bài phỏng vấn đó.

Trả lời câu hỏi của nhà báo công an, ông Tố Hữu nói:

- Chú chưa có ý kiến gì đâu. Cứ để các nhà phê bình, bạn đọc lên tiếng đã. Rồi sau đó chú sẽ có tiếng nói chính thức. Mà có lẽ tốt hơn cả là chú gọi Khoa tới... như ngày xưa Khoa còn bé tý. Mà này, cháu ở Văn hoá - Văn nghệ Công an hả. Chà chà, phải cẩn thận khi phát ngôn đấy. Kẻo người ta bảo ông Tố Hữu dùng "Công an đánh Khoa" thì gay. Cháu cứ ghi ý kiến của chú, đăng báo nào thì tuỳ, nhưng đăng ở Công an... Từ từ nhé!

Quả là ông nhà thơ tỏ ra... “khôn” thật. Ông dặn anh nhà báo công an phải cẩn thận... “Kẻo người ta bảo ông Tố Hữu dùng "Công an đánh Khoa" thì gay”! Tố Hữu làm như tuồng ông chưa hề bao giờ dùng công an “đánh” một văn nghệ sĩ nào cả! Chưa hề bao giờ bắt bớ, giam cầm và bỏ tù văn nghệ sĩ cả! Các văn nghệ sĩ là nạn nhân còn sống sót sau bao cuộc đàn áp - mà ông Tố Hữu là một trong những người phải chịu trách niệm chính - nghĩ thế nào khi nghe ông nói thế?

Rồi ông Tố Hữu nói tiếp:

- ... Tôi và anh Xuân Diệu phát hiện ra Khoa, bồi dưỡng Khoa. Tập thơ "Góc sân và khoảng trời" đến bây giờ vẫn giữ nguyên giá trị... Sau này, Khoa không được như trước nữa, có lẽ là vì "đứt rễ", vì phải xa cái sân gạch nhà mình, xa cây na ngày gọi chim, đêm gọi trăng... Nhà văn, nhà thơ mà xa mảnh đất đã làm nên mình là hỏng. Ðặc biệt sai lầm là cái việc đưa Khoa đi học Trường viết văn Goócki. Làm gì có trường dạy viết văn. Nghề văn không dạy được. Nhà văn hình thành là do cuộc sống, do một năng khiếu bẩm sinh. Nhà văn là phải học ở trường đời. Tôi cho Trường viết văn Nguyễn Du là thứ tào lao, không nên có. Chỉ nên mở lớp bồi dưỡng khoảng một năm.

Ðúng quá! “Làm gì có trường dạy viết văn. Nghề văn không dạy được. Nhà văn hình thành là do cuộc sống, do một năng khiếu bẩm sinh. Nhà văn là phải học ở trường đời”. Ðiều này trước đây nhiều người đã nói, nhưng ông Tố Hữu cũng như các vị lãnh đạo khác của Ðảng có chịu nghe đâu?! Còn... bây giờ thì ông nói thế, một lần nữa ông lại “phịa như thật”! Làm như tuồng trước đây ai đấy đã quyết định làm cái “thứ tào lao” đó, tức là bày ra Trường viết văn Nguyễn Du, là cử sinh viên đi học ở Trường viết văn Goócki, chứ không phải ông Tố Hữu, người đã “thống lĩnh” văn học nghệ thuật Việt Nam xã hội chủ nghĩa suốt mấy chục năm trời! Ông cũng cố lờ đi cái mục đích chính của trường viết văn do Ðảng của ông bày ra. Ðảng mở ra trường viết văn đâu có phải để dạy viết văn - như ông nói bây giờ - mà chính là để nhồi sọ cho các nhà văn tương lai cái đầu óc tuyệt đối phục tùng Ðảng, hết lòng hết sức phục vụ cho đường lối của Ðảng. Những thứ đó các ông lãnh đạo Ðảng thường gọi là “tính đảng trong văn học nghệ thuật”! Hay là “trau giồi thế giới quan mác-xít lê-nin-nít”!

Ðọc câu trả lời của Tố Hữu, tôi bỗng liên tưởng đến một chuyện thật chua xót thế này: sau khi đã giam cầm, bỏ tù một loạt văn nghệ sĩ hoàn toàn vô tội, hay chỉ có cái “tội” tha thiết ước muốn tự do, trong cái gọi là “vụ án Nhân Văn Giai Phẩm”, ngày 25.7.1961, ông Tố Hữu đọc một bài diễn văn quan trọng, nhan đề “Ðào tạo những nghệ sĩ mới của dân tộc”, trong đó ông nói: “Chúng ta giàu cái gì nhất? Giàu tự do. Tự do là điều kiện thiết yếu của nghệ thuật. Tự do là nước, nghệ thuật là cá. Không có tự do, nghệ thuật không sống được và sẽ chết. Nếu không có ý thức đầy đủ về điều đó, thì nghệ thuật không thể phát triển được” (chép đúng nguyên văn, xem tr. 261 sách “Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta với thời đại ta” của Tố Hữu, Hà Nội 1973). Xin nhắc lại: cái chúng ta giàu nhất là tự do!!! Ðấy, cái tài - có thể gọi là nghệ thuật - “phịa như thật” của Tố Hữu là như thế đó: cái đúng và cái bịp, cái thật và cái phịa xen kẽ nhau, xoắn quyện nhau, khó mà “lần” cho ra... Nhắc lại điều này để thấy chân dung ông Tố Hữu gần 40 năm trước và bây giờ về cơ bản không có gì thay đổi mấy!

Ông Tố Hữu nói tiếp với nhà báo công an:

- ... Nhưng mà này, tôi có cảm giác Khoa đang sống xa dân, xa cuộc sống thật... Nguy đấy. Gần đây, văn học nước nhà không có cuốn tiểu thuyết nào gây ấn tượng. À, tôi thấy có câu này không ổn. Khi nói đến Ðảng, đến Bác là chúng ta hay nói “ơn Ðảng, ơn Bác Hồ”. Nói thế Bác buồn đấy. Phải là “ơn dân” rồi mới đến Ðảng, đến Bác.

Một lần nữa, ông Tố Hữu lại tỏ rõ biệt tài “phịa như thật”. “Nói thế Bác buồn đấy”! Ðạo đức giả làm sao! Tố Hữu làm như hồi sinh thời, ông Hồ coi trọng dân hơn Hồ Chủ tịch, coi trọng dân hơn đảng cộng sản. Lẽ nào ông trưởng ban tuyên huấn của Trung ương Ðảng lại không biết chuyện ông Hồ đã dùng tên giả, tự tay mình viết sách (không phải chỉ một cuốn!), viết báo (không phải chỉ một bài) để ca tụng mình? Lẽ nào ông lại không biết là trong sách do ông Hồ viết, chính ông Hồ đã tự tôn vinh “Hồ Chủ tịch là Cha già dân tộc”? Nếu ông biết thì xin ông trả lời thành thật: “Thế thì Bác Hồ của ông đặt dân trên Bác hay Bác trên dân”?

Ông Tố Hữu cố tình quên là trước đây chính ông và “đội quân” tuyên huấn của ông là những kẻ gieo rắc tệ sùng bái cá nhân ông Hồ tích cực nhất, lắm khi đến lố bịch. Chắc ông Tố Hữu cố quên chuyện thật này: hồi đầu năm 60, một số người Hà Nội đã đề nghị dựng tượng các anh hùng dân tộc Lê Lợi và Nguyễn Trãi tại thủ đô Hà Nội, thì chính ông Tố Hữu đã bác đi và nói: “Chỉ khi nào ở thủ đô dựng tượng Bác Hồ rồi thì lúc đó mới được dựng các tượng khác của các anh hùng dân tộc”!

Mà thực ra, chẳng đợi ban tuyên huấn đảng làm chuyện gieo rắc tệ sùng bái cá nhân ông Hồ, chính bản thân ông Hồ cũng đã tự mình làm việc đó thật hăng say. Chuyện đó không còn là điều “tối mật” nữa.

Biết rằng cái thế của mình không còn “hét ra lửa” như xưa, ông Tố Hữu tỏ ra dịu dàng, “độ lượng” (chữ này của nhà báo N.N.P.) đến cảm động khi nhận xét bài viết của Trần Ðăng Khoa:

- ... Nhưng thôi, bài viết thế là tốt... Viết như thế có gì đâu mà không phải với tôi. Ờ, mà tại sao có người lại tức giận hộ cho tôi nhỉ... Khoa phải cẩn thận lắm mới có thể vượt qua "Góc sân và khoảng trời" nhà mình. Từ đó đến nay đã 30 năm rồi còn gì. Vậy mà sau lưng Khoa trống đấy. Cháu là công an hả, phải thổi còi cho Khoa thôi. Nhưng đừng để nó giật mình, ngã xe nhé!
Và anh công an đã thổi còi... Còn chúng ta đưọc thấy thêm vài nét nữa trên chân dung của Tố Hữu.

CHÂN DUNG ÔNG TỐ HỮU
(TRANH KHẢM)

Sau khi "Chân dung ông Tố Hữu" được đăng báo, người viết nhận được hồi âm của khá nhiều bạn đọc từ các nơi gửi đến góp ý kiến và bổ sung thêm nhiều chuyện mới khắc họa thêm những nét sống động cho chân dung. Người viết xin chân thành cảm tạ các bạn và xin phép chép ra đây mấy bài. Chúng tôi cố giữ nguyên phong cách, ngôn từ của các bạn gửi bài.

Cây táo ông Lành

Một bạn trong nước nói rõ bài “Tên Lành mà dạ chẳng lành...” lưu truyền từ hồi cuối những năm 70 và kể thêm một chuyện sau:
Năm 1974, nhân dịp ngày quốc tế thiếu nhi (ngày 1/6), tuần báo Văn nghệ có đăng truyện ngắn "Cây táo ông Lành". Chuyện kể về một ông già tên là Lành, có cây táo mọc trong vườn sát đường đi học của lũ trẻ trong làng. Bọn học trò thường vít cành bứt quả khiến ông bực tức và dùng vải đen tạo ra một ổ kiến lửa trên cây, dọa trẻ con. Lũ trẻ con trông tổ kiến giống đầu lâu đen sợ hãi, và tránh, đi lối khác, "không đi theo con đường ông Lành nữa". Lão Lành giữ được cây táo thì mất lũ trẻ con ríu rít hàng ngày qua lại. Lão tìm cách giải thích cho trẻ con đấy không phải là đầu lâu đen, nhưng chẳng đứa trẻ nào tin.

Tên cúng cơm của ông Tố Hữu là Lành. Hồi đó, ông đang ở trên “đỉnh cao muôn trượng” của quyền lực, thế là họ truy tìm lý lịch người viết. Lũ bồi bút "phê bình" văn học mang kính lúp ra soi, nào là "đầu lâu đen" viết tắt là ÐLÐ, ám chỉ Ðảng Lao động Việt nam, nào là "không đi theo con đường ông Lành nữa", nghĩa là không đi theo con đường của Ðảng...Tác giả bài báo phải “chịu sóng gió” một thời, nhưng may thay, anh là một thương binh có hạng, không thì cũng khó sống yên với họ.

"Khơi lại những ý thích tầm thường"

Một bạn khác cũng ở trong nước kể lại:

Dạo ấy, Nguyễn Tuân bị Tố Hữu phê phán nặng vì bài “phở” và “giò lụa” với tội danh “tư tưởng hưởng lạc”, “tầm phào”, “khơi lại những ý thích tầm thường”. Chuyện đó xảy ra sau khi quân ta vào Hà Nội vài năm, nên cái “tội” có “tư tưởng hưởng lạc”, “khơi lại ý thức tầm thường” là nặng lắm, vì nó thuộc về lập trường giai cấp, đó là biểu hiện tư tưởng tư sản, tiểu tư sản, biểu hiện sút kém tinh thần cách mạng, điều mà Lê Duẩn thường “lên gân” nhắc nhở cán bộ.

Thế nhưng, vào thời đó ở Miền Bắc, người ta (cụ thể là ban bảo vệ sức khỏe lãnh đạo, được lập nên do sáng kiến của Lê Ðức Thọ và Trần Quốc Hoàn) cũng đã bí mật... “khơi lại những ý thích tầm thường” và “tư tưởng hưởng lạc”... cho “các cụ” lãnh đạo. Không phải bằng văn học như Nguyễn Tuân, mà “bằng công việc thiết thực”, tức là tuyển dụng các cô gái trẻ để thành lập khoa “lý liệu pháp” hay về sau đổi tên là “vật lý trị liệu” (tiền thân của massage - xoa bóp - sau này) chuyên “phục vụ” cho “các cụ” lãnh đạo. Bọn quân sư lý luận rằng “cơ thể là một khối thống nhất” cho nên phải làm “thức tỉnh” tất cả các cơ quan chức năng của “các cụ” để các cụ minh mẫn đưa dân ta ra khỏi con đường lầm than.

Ðứa con trai nhỏ “ngoài giá thú” của Ba Duẩn sinh hạ chính là trong dịp này. Chuyện ồn lên ở Hà Nội một dạo. Sau phải đưa cả hai mẹ con đứa bé vào Miền Trung bộ Việt Nam sống. Nghe nói năm 1986 khi Lê Duẩn chết, cô ta ra dự tang và xuất hiện trên màn ảnh TV.

Ao cá Bác Hồ

Chuyện này cũng do một bạn trong nước gửi cho:

Năm 1979, trong nước rộn lên phong trào “Ao cá Bác Hồ”, tác giả chính là Tố Hữu. Chuyện thế này: ở các vùng thôn quê, người ta huy động thanh thiếu niên đào ao cá Bác Hồ, cá giống được các bô lão thuê xe ca “Ba Ðình” gióng trống mở cờ lên tận nhà sàn Bác nhận cá giống. Ðúng là cá “thần” thật, chỉ một vài chục con thả xuống, sau thời gian ngắn đàn cá sinh sôi nảy nở phục vụ cho dân làng lễ Tết. Trước đó, từng gia đình người ta thả cá ở ao nhưng... ít khi được xơi. Lý do thì nhiều: nào là mưa to, cá trôi sạch, nào là bọn đạo chích câu trộm, nào là cá chết vì bệnh... Vì thế sáng kiến của Tố Hữu được báo chí khen rầm rộ. Lạ lùng thế này: trường đại học thủy sản, đào tạo các kỹ sư nuôi cá nước mặn, nước ngọt, nước lợ... mà không con nào sống cả, nhưng chỉ vài con cá “thần” lấy từ ao ông Hồ về thì cá lớn nhanh, khoẻ re. Sao không đóng mẹ nó cửa cái trường đào tạo ra rặt bọn ăn hại đái nát ấy đi? Hay là duy tâm thắng duy vật rồi?

Nhưng Tố Hữu đâu có biết rằng (hoặc biết mà lờ đi? - người đánh máy) sau khi thả “cá giống Bác Hồ” thì chủ nhiệm hợp tác xã cũng phải xuất thóc mua hàng tạ cá giống khác ném tiếp xuống ao, cử một xã viên ăn công điểm hẳn hoi ngày ngày giã cám vứt xuống ao nuôi chúng. Dân quân được lệnh 24/24 giờ trông coi ao cẩn thận. Nếu mưa to, cá bỏ đi mất thì... xuất tiền mua bù bỏ vào để khỏi bay cái chức chủ nhiệm.

Tại ao cá Bác Hồ nằm phía sau Nhà hát nhân dân thành phố Hải phòng, giáp với ngõ Ðồng Lùn (quê hương của anh bạn tôi) đã xảy ra thảm cảnh. Tự vệ trông hồ cá đã nổ súng vào bọn đánh cá trộm ban đêm. Không trúng trộm, mà trúng ngay bà cụ 70 tuổi nằm hóng mát ven hồ. May mà lũ con bà cụ không làm to chuyện, sáu mâm cỗ và cỗ quan tài là... xong việc.
Giá như Bác Hồ, ngoài việc biết nuôi cá, lại biết làm thêm xe máy, ôtô, máy bay, TV ... để Tố Hữu “vận dụng” theo kiểu “ao cá Bác Hồ” thì... chắc dân ta không mạt vận như thế này!

Tố Hữu thương thanh niên Pháp

Một bạn hiện đang tị nạn ở Ðức gửi thư kể chuyện này:

Sau khi dự đại đại hội Ðảng cộng sản Pháp, về nước Tố Hữu thường tỏ lòng thương thế hệ trẻ Pháp. Trong buổi gặp mặt thanh niên ở Hà Nội, ông nói như sau: "Thật thương cho thế hệ trẻ ở Pháp có cuộc sống vật chất đầy đủ, nhưng còn thiếu ánh sáng của chủ nghĩa xã hội soi rọi để sống có lý tưởng" (!)

Thế mà bây giờ con gái Tố Hữu tên là Hoa, phó tiến sĩ sinh vật học đang cùng chồng là Châu (tiến sĩ cơ học) mang con cái sang ở Ðức, chỗ tăm tối thiếu ánh sáng của chủ nghĩa xã hội và có ý định sống lâu dài ở đó. Không thấy Tố Hữu thương con, thương cháu gọi chúng về nước... sống dưới ánh sáng của chủ nghĩa xã hội!

Chỉ sợ các Bác không buông quang gánh ra thôi

Một bạn đã từng đi học ở Czechoslovakia (Tiệp Khắc) kể lại chuyện thật mà anh đã chứng kiến sau đây:

Hè năm 1981, Tố Hữu lúc đó là Phó thủ tướng thường trực, sang thăm một số nước Châu Âu. Hồi đó, Tố Hữu thay quyền hạn Phạm Văn Ðồng, nên kiêu lắm. Tại Prague (thủ đô của Czechoslovakia), có cuộc gặp gỡ và nói chuyện với sinh viên. Khi ra về, Tố Hữu lên giọng "lãnh tụ" cũng tự xưng là “bác” như... ai: "Bác và các đồng chí lãnh đạo đang gồng mình gánh vác gánh nặng khó khăn của đất nước, các cháu cần phải học hành chăm chỉ để sau này thay thế các Bác gánh vác gánh nặng ấy. Các cháu đã sẵn sàng chưa?"
Một sinh viên lớn tuổi nhất trong đám đông trả lời ngay tắp lự: "Chúng cháu đã sẵn sàng cả rồi, chỉ sợ các Bác không buông quang gánh ra thôi". Tố Hữu tím mặt, tọt ngay vào xe, chuồn thẳng. Khốn khổ cho anh chàng bạo miệng! Tố Hữu về đến Hà Nội thì anh này bị sứ quán gọi lên và trục xuất về nước ngay.

Cái nhầm... đáng yêu

Một cụ già về hưu đã gửi cho mẩu chuyện này:

Vào những năm 70, nhà thơ "mẹ mìn" của chúng ta bỗng dưng sáng chói trên chính trường Việt Nam, với chức Phó thủ tướng thường trực. Theo lời đồn đại của dân chúng thì ông còn được "dự kiến" làm Tổng bí thư Ðảng, kế vị Lê Duẩn. Thế mà sau cái chết của Lê Duẩn vào năm 1976, khúc sông chính trị bỗng nhiên nổi sóng, khiến cho Tố Hữu lặn mất tăm, không còn vai vế gì trong Ðảng. Tố Hữu sống ở ngôi nhà khá đẹp trên phố Phan Ðình Phùng. Ðã thấu hiểu phương châm "sóng trước vỗ đâu, sóng sau vỗ đó" của các "chiến hữu", Tố Hữu lo xa đến ngày phải rời tổ ấm chuyển đi căn hộ "lắp ghép" với "song sắt chuồng cọp", bèn nẩy kế xin một khoảnh đất đẹp ở Hồ Tây để... xây nhà trong lúc tình cảm đồng chí còn chưa hết hơi nồng.
Tố Hữu đã nhầm to, chẳng có ai "thu" lại ngôi nhà to đùng ở phố Phan Ðình Phùng, như ông nghĩ, nên ông vẫn ung dung "tọa lạc" ở đó. Còn ngôi nhà to đùng mới xây "thừa ra" ở Hồ Tây đành phải cho thuê lấy 2000USD/tháng, phụ thêm khoản rau dưa cho bà Thanh (v
ong) đi chợ.


Cái nhầm đáng yêu của ông Lành không ngờ mang lại hiệu quả lớn!

* * *

Những mẩu chuyện trên đây ghép lại thành bức tranh khảm, xin gửi tặng các bạn.

Thanh Phong

Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2008

No6: Vì sao Việt nam "hoãn" Bầu cử Chủ tịch Xã?



Khi Thằng Bé Cộng Sản Việt Nam sợ những bước đi chập chững dân chủ

Theo tin Vietnamnet, hôm 15 tháng 11 vừa qua, ngay trước khi bế mạc kỳ họp thứ tư, với 95 phần trăm số phiếu tán thành, quốc hội Việt Nam đã bỏ quyết định về thí điểm cho người dân trực tiếp bầu chủ tịch xã. Nói là việc này "được lùi lại, cân nhắc và tiếp tục nghiên cứu để quyết định vào thời gian thích hợp."

Trước đó, trong khi thảo luận lần đầu tại các phiên họp tổ, và tại Hội trường quốc hội, đa số đều nhất trí với chủ trương cho người dân bầu trực tiếp chủ tịch xã. Xem đây là "một bước tiến dân chủ và kỳ vọng tiến tới sẽ bầu trực tiếp ở cấp cao hơn.". Giải trình trước quốc hội hôm 7-11, Bộ trưởng Nội vụ Việt Nam Nam Trần Văn Tuấn khẳng định rằng, chủ trương này đã được nghiên cứu kỹ, đã lấy ý kiến của các địa phương, và nhận được sự ủng hộ... Tuy nhiên, chỉ một tuần sau đó, Phó Chủ tịch quốc hội Uông Chu Lưu lại giải trình trước quốc hội rằng,vì còn nhiều mô hình khác nhau, nên việc bầu trực tiếp như vậy sẽ không thuận cho chỉ đạo, điều hành.

Tại sao Đảng và nhà nước Cộng Sản Việt Nam lại đi thụt lùi trên bước tiến dân chủ ngay từ bước đầu dò dẫm như thế? Câu trả lời có lẽ nằm trong câu chuyện bầu cử Xã sau đây, mà các báo đài của nhà nước đã không dám loan tải.

Mới đây Cộng Sản Việt Nam đã thử nghiệm cho bầu cử “tự do, dân chủ” chức vụ chủ tịch Xã ở một vài địa điểm. Tại xã Ngọc Mỹ, Huyện Quốc Oai, Hà Tây, qua 3 đời chủ tịch Xã: Nguyễn Văn Hoa, Nguyễn Thế Dục, Nguyễn Văn Khôi, dân trong xã đã thấy những chủ tịch xã vừa kể đều bất xứng. Trong đợt bầu cử Xã vào tháng 6/2008, Chủ tịch xã đương nhiệm Nguyễn Văn Khôi ra ứng cử, dân chúng trong Xã phản đối, tẩy chay không tham gia đi bầu. Sau cùng Uỷ ban Nhân Dân Hà Tây phải đưa ra nhân sự mới là Nguyễn Chí Lợi ra ứng cử. Dân chúng Xã Ngọc Mỹ cũng không đồng ý tham gia bầu cử với 1 ứng viên độc diễn được đảng đưa ra, và họ tự đề cử một cựu chiến binh là ông Nguyễn Văn Trực ra tranh cử cùng với ông Nguyễn Chí Lợi. Kết quả ông Trực thắng cử và thắng lớn. Ủy Ban Nhân Dân Hà Tây đã buộc phải chấp nhận kết quả,và ông Nguyễn Văn Trực là tân Chủ Tịch xã Ngọc Mỹ, Huyện. Quốc Oai, Hà Tây.

Đây là một sự kiện phấn khởi, cần được loan tin rộng rãi, để nêu cao tinh thần “Nhà Nước là từ dân, của dân, vì dân”. Vì qua cuộc bầu cử trên, người dân xã Ngọc Mỹ đã thể hiện đúng nghĩa tinh thẫn người dân àm chủ tập thể, tự quyết định lấy vận mạng của mình, tự chọn cho mình người đại diện mà mình tin tưởng, thay vì để người khác chọn hộ. Bà con xã Ngọc Mỹ cũng đã chứng tỏ một ý thức dân chủ cao độ, đầy tự tin, khi cương quyết từ chối tham gia vào những cuộc bầu cử mà họ không được có cơ hội bầu cử một cách công bình. Chính sự tự tin và cương quyết đó đã buộc Ủy Ban Nhân Dân Hà Tây phải chấp nhận kết quả cuộc bầu cử dân chủ này. Sau đó, Ủy Ban Nhân Dân Hà Tây đã tôn trọng ý nguyện người dân, thể hiện tinh thần nhà nước là công bộc phục vụ nhân dân, lắng nghe và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Thái độ này của Ủy Ban Nhân Dân Hà Tây nhiều phần sẽ được nhân dân tín nhiệm, mà không cần phải có sự giúp đỡ qua những áp đặt chuyên chế từ Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Đảng và nhà nước Việt Nam bao năm qua đã hô hào dân chủ hoá từ cơ sở, lẽ ra phải vui mừng với cuộc bầu cử kể trên tại xã Ngọc Mỹ, thì lại tỏ vẻ lo ngại. Sự lo ngại này biểu hiện qua việc không cho báo đài loan tải tin tức về cuộc bầu cử đó, và vội vàng đình chỉ vô hạn định những thử nghiệm cho dân bầu trực tiếp người đại diện ở cấp xã. Sợ rằng đảng sẽ mất quyền làm cha mẹ. Chỉ với quyết định cho người dân bầu cử trực tiếp ở đơn vị thấp nhất là xã, mà Đảng Cộng Sản Việt Nam đã vội rụt lại, không dám thử tiếp những bước chập chững trên đường dân chủ hóa, thì nhân dân Việt Nam không thể thụ động chờ mong Đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ dẫn dắt Việt Nam hội nhập vào thế giới dân chủ pháp quyền như họ đã hứa hẹn.

Để khỏi lại phải ăn bánh vẽ của đảng Cộng Sản Việt Nam thêm một lần nữa, người dân Việt Nam cần noi gương bà con xã Ngọc Mỹ, Hà Tây. Tự tin, mạnh dạn thực hiện quyền làm chủ cho chính mình Cương quyết tẩy chay mọi cuộc bỏ phiếu Đảng Cử Dân phải bầu. Những cuộc bầu cử phải là cơ hội để người dân thực hiện quyền dân chủ thực sự, qua việc tự mình chọn lựa người đại diện xứng đáng cho mình.

Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2008

No5: Tại sao Thủ tướng CP không gương mẫu thực hiện quyền của mình theo luật !!!

Tỉnh Ninh Bình ngày 04 tháng 11 năm 2008

Tại sao Thủ tướng Chính Phủ “ông Nguyễn Tấn Dũng

Không gương mẫu thực hiện quyền của mình theo luật !!!

Thưa quí vị !

Thời gian qua tôi liên tục có đơn, bài gửi đến Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam ông Nguyễn Tấn Dũng và các cơ quan hữu trách phản ảnh việc bà Vũ Thị Thục 86 tuổi mẹ “liệt sỹ”. Trú tại : Số nhà 66 đường Tây thành, phường Nam thành, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình gần 40 năm đi tìm công lý cho chồng là ông Hoàng Văn Qùi. Năm 1966 - Đảng lao động VN tức ĐCSVN ngày nay, chính quyền địa phương giao nhiệm vụ cho ông Qùi bảo vệ tài sản Bệnh viện Quân y số 5, kết hợp phục vụ cho Bộ đội chiến đấu. Chưa có chiến sự thì tăng gia sản xuất trong khu vực Bệnh viện để gây qũi cho đơn vị.

Ngày 28/8/1966 máy bay không quân của Mỹ đến ném bom ông Qùi bị thương trong khuôn viên “bệnh viện” đội cứu thương của xã Ninh Thành đưa đi cứu chữa vì vết thương quá nặng nên đã hy sinh, chính quyền địa phương tổ chức làm Lễ truy điệu tuyên bố trước Nhân dân sẽ đề nghị công nhận ông Qùi là liệt sỹ (cùng ngày trên địa bàn xã Ninh Thành có 2 dân quân đang trên đường đi bị bom chết tại chỗ là ông Ngà + bà Dần đã được công nhận liệt sỹ).

Chồng chết, con đầu là Hoàng Văn Cần có giấy gọi Đại học nhưng tình nguyện lên đường “đánh Mỹ” tức vào Nam rồi hy sinh năm 1968. Vậy là người đàn bà nghe lời kêu gọi của ĐCSVN mất Chồng, mất Con mong nước nhà độc lập, thống nhất để được hưởng cuộc sống Tự do, ấm no, hạnh phúc... Nhưng bọn “Quan lại” ở địa phương bắt nạt, buộc bà phải để đất của gia đình cho hộ liền kề làm đường đi. Bị áp bức người đàn bà góa đã đứng lên bảo vệ quyền lợi chính đáng của gia đình và có đơn đề nghị các cơ quan xem xét trường hợp chết của chồng.

Các cơ quan tổ chức nhiều hội nghị gọi là xác minh, đối thoại không mời những người đại diện cho Đảng, chính quyền địa phương là các ông Trần Văn Lữ - Bí thư chi bộ đảng CS thôn Phúc Chỉnh. Nguyễn Văn Áp - Đại đội trưởng Dân quân II. Đặng Văn Chắt - Chủ nhiệm kiêm bí thư chi bộ CS của HTX Nông nghiệp Phúc Thành đến nhà vận động và giao nhiệm vụ cho ông Qùi. Họ lại dựng nhân chứng giả để bóp méo sự thật làm cho cán bộ đã giao nhiệm vụ cho ông Qùi bất bình có đơn kiến nghị.

Bà Thục càng có đơn kêu oan, các cơ quan lại thi nhau trả lời đã giải quyết công minh có tình, có lý !!! Ông Nông Đức Mạnh nguyên Chủ tịch Quốc hội CSVN xem xét đề nghị Bộ Lao động Thương Binh xã hội giải quyết dứt điểm. Nhưng Bộ này lý do “gia đình bà Thục mới có đơn chưa có hồ sơ của chính quyền địa phương đề nghị công nhận liệt sỹ cho ông Hoàng Văn Qùi. Chính quyền địa phương lại lý do “Bộ có quyết định 652 chấm dứt vụ việc nên không giám lập hồ sơ...” ?

Trước cảnh người sinh ra mình bị bọn “Quan lại” cửa quyền sách nhiễu. Dưới đá lên trên đạp xuống tìm hiểu chính sách của Đảng, các qui định của pháp luật và những trường hợp tương tự ông Hoàng Văn Qùi được “Quan lại CSVN” địa phương lập hồ sơ đề nghị trên xét công nhận liệt sỹ ? Tôi gửi đơn đến Bộ LĐTBXH, ông Bùi Sỹ Lợi - Chánh thanh tra có số 835/LĐTBXH-TTr ngày 14/11/2005 đưa ra văn bản các “Quan CS” đã tự ý dụng quyền lực trả lời không thỏa đáng trong đó có quyết định 652 của Bộ và nói; “nếu ông và gia đình chưa rõ đề nghị làm đơn gửi Tổng thanh tra để được giải thích.”. Tôi có đơn gửi Tổng Thanh tra sau đó trực tiếp đến 220 Đội Cấn, Hà nội. Tới đây tôi chứng kiến cảnh người dân đội đơn kêu oan trước xe ông Quách Lê Thanh - Tổng thanh tra Chính phủ nhưng ông “Tổng Quách” thể hiện khí tiết “Người chiến sỹ CS phải có trai tim Đá và dòng Máu lạnh...”, mặc cho lũ dân đen kêu oan ông Tổng Quách ta cứ ung dung ngồi trên xe hơi tân kỳ có máy lạnh vì đã có công an và bảo vệ xua đuổi lũ dân đen để ông Tổng tiến thẳng vào công đường !!!

Kỳ họp thứ X, Quốc hội của đảng CSVN khóa XI theo dõi đại biểu Quốc hội chất vấn vụ việc ông Tổng Quách nhận 110 triệu tiền quà biếu, tôi mới hiểu vì ông Tổng mải nhận quà nên quên không giải quyết đơn thư khiếu kiện tố cáo của dân, thế rồi ông cũng được hạ cánh an toàn cùng 6 Quan chức khác, về hưu chót lọt chẳng hề hấn gì sất ?

Ngày 24/2/2006 ông Lợi gửi thư cho bà Thục cầm đến UBND phường Nam Thành, các “Quan lại CS ” lý do : Thư không có dấu, không nói rõ phường lập lại hồ sơ ? Người đàn bà ngoài 80 tuổi lại từ Ninh Bình lên thủ đô Hà Nội, tôi viết thư gửi ông Lợi. Cơ quan Bộ có số 9337/LĐTBXH - TTr ngày 24/3/2006 do Nguyễn Văn Tiến - Phó Thanh tra ký nội dung “trả lại đơn và các giấy tờ để ông thực hiện quyền Khiếu nại theo qui định của pháp luật ” ? Tôi làm theo hướng dẫn các “Quan lại” không giải quyết đơn theo luật tự ý ra số 22/CV-UBND ngày 07/7/2006 cho rằng : “xem xét cái chết của ông Hoàng Văn Qùi để công nhận liệt sỹ không thuộc thẩm quyền của UBND phườmg Nam thành ” gia đình lại nhờ Bộ can thiệp. Bộ LĐTBXH thông báo: Đúng 8h30 ngày 29/11/2006 tổ chức đối thoại tại phường Nam Thành. Hội nghị này do ông Tiến chủ trì, không mời nhân chứng, không làm đúng nội dung người Khiếu nại, Tố cáo yêu cầu ? Khi đối thoại không giải thích được ông Tiến lừa đảo nói “để đi gặp nhân chứng rồi quay lại gặp gia đình” nhưng tự ý ra số 478/LĐTBXH-TTr ngày 20/12/2006 trà đạp lên số 9337 ngày 24/3/2006 chính “Quan” Tiến hướng dẫn tôi làm theo luật. (nôi dung hội nghị đối thoại tôi có ghi âm).

Không nhất trí số 478 tôi có đơn phúc đáp gửi ông Tiến và Báo cáo đến các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước không có hồi âm? Ngày 20/6/2007 tôi đến Bộ ông Tiến lý do không nhận được đơn, tôi đưa số 21 ngày 25/1/1007 Mặt trận Tổ quốc Việt nam báo tin đã chuyển đơn đến Bộ, ông Tiến yêu cầu đưa đơn xem xong ông giao cho bộ phận “một cửa” nhận !

Ngày 20/7/2007 tôi gặp ông Bùi Hồng Lĩnh - Thứ trưởng khi tôi giới thiệu con bà Thục Ninh Bình ông xua đuổi lên Chính phủ, tôi đưa giấy nhận đơn yêu cầu trả lời, ông đẩy cho ông Hoàng - Trưởng phòng thanh tra cùng tham gia tiếp dân ông Hoàng nói: “việc này phức tạp nên đã báo cáo Thủ tướng xin ý kiến chắc Thủ tướng sẽ chỉ đạo làm lại từ đầu”

Ngày 19/9/2007 Bộ trưởng Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ có số 5285/VPCP - VII thông báo ý kiến chỉ đạo của ông Trương Vĩnh Trọng - Phó Thủ tướng.

Ngày 08/10/2007 Bộ có số 3523 kèm theo số 5285 của VPCP, số 2396 của Bộ do ông Lĩnh ký. Khi xem số 2396 tôi mới biết Bùi Hồng Lĩnh đã xuyên tạc vu cáo : “bà Thục và con trai là Hoàng Trung Kiên liên tục đến Bộ yêu cầu phải công nhận ông Hoàng Văn Qùi liệt sỹ… đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Tổng Thanh tra ra thông báo chấm dứt việc tiếp và giải quyết Khiếu nại....”

Ngày 19/10/2007 tôi có đơn Tố cáo Bùi Hồng Lĩnh gửi đến Thủ tưởng và các cơ quan can thiệp làm rõ vụ việc theo luật.

Ngày 20/10/2007 tôi đến Bộ LĐ&TBXH - ông Nguyễn Thanh Hòa , Thứ trưởng bảo lên Chính phủ, tôi đưa công văn số 5285 của Chính phủ đề nghị giải thích chính sách pháp luật để gia đình chấp hành, ông Thứ trưởng không giải thích được, lại giao cho bộ phận “một cửa” nhận đơn Tố cáo ông Lĩnh Thứ trưởng ?

Ngày 20/3/2008 tôi gặp bà Huỳnh Thị Nhân - Thứ trưởng, bà bảo tôi đưa giấy tờ liên quan gần nhất, xem song bà Thứ trưởng lại chỉ đạo bộ phận “một cửa” nhận đơn?

Theo thông báo số 620/TD - MTTW ngày 26/10/2007 Mặt trận Tổ quốc Việt nam chuyển đơn tôi đến Thủ tướng Chính phủ để giải quyết theo luật. Ba lần tôi đến Trụ sở tiếp dân (TSTD) Trung ương Đảng + Nhà nước 110 Cầu giấy Hà Nội bị cán bộ TSTD gây khó dễ, ông Hoàng Như Hải tiếp dân Văn phòng Chính phủ ngang nhiên làm liều cụ thể.

Lần đầu; Sáng 17/12/2006 Cán bộ TSTD đưa đẩy nhau. Đến chiều ông Phan Văn Hải - tiếp dân Thanh tra Chính phủ bảo tôi về Bộ LĐTBXH giải quyết. Tôi đề nghị hướng dẫn bằng văn bản ông lại bỏ đi ?

Lần hai :Đinh Thị Thuý Quỳnh lý do tiếp dân Văn phòng Chính phủ đi vắng, tôi điện cho ông Bùi Nguyên Suý lãnh đạo TSTD số máy. 0913.530.508 ông nói thông cảm bữa sau tới?

Lần ba : Ngày 16/6/2008 bà Quỳnh cầm đơn, chứng cứ đi báo cáo lãnh đạo sau đó bà viết giấy cho tôi đến tiếp dân Văn phòng Chính phủ ông Hoàng Như Hải không xem chứng cứ, không nghe trình bầy nói. “việc này đã trả lời rồi còn thắc mắc gì” ? Tôi đưa đơn và số 620 Mặt trận Việt nam thông báo đã chuyển đơn tố cáo đề ngày 19/10/2006 đến Thủ tướng, ông Hải chỉ xem CV số 620 rồi nói: Bọn Mặt trận không hiểu gì về luật, giám chuyển đơn của công dân cho Thủ tướng rồi lấy bút ghi vào góc số 6

20 và bảo; Tôi thay Thủ tướng trả lời yêu cầu anh chấp hành CV số 3523 của Bộ LĐTBXH ?

Tôi nói : Ông cho rằng “bọn Mặt trận” không hiểu luật, chắc ông học cao nên được ngồi chồm chỗm tiếp dân Văn phòng Chính phủ, nhưng thái độ, việc làm của ông thể hiện như kẻ vô học. Số 620 của Mặt trận đại diện cho một cơ quan nhà nước, họ làm không đúng ông cũng phải có văn bản trả lời. Ông thay Thủ tướng, giấy uỷ quyền đâu ông ta lại bỏ đi ?

Tôi tiếp tục có đơn Kiến nghị gửi Thủ tướng và các cơ quan. Ngày 03/7/2008 Mặt trận Tổ quốc Việt nam lại có số 395/ TD - MTTW Thông báo; Căn cứ mục 2 chương VII luật KNTC, luật MTTQ Việt Nam đã chuyển đơn tôi đến Thủ tướng Chính phủ, đã quá thời gian qui định đơn tôi vẫn không được giải quyết theo luật ?

Bùi Hồng Lĩnh đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Tổng Thanh tra ra thông báo chấm dứt việc tiếp, giải quyết khiếu nại của bà Thục. Đương kim Thủ tướng ông Nguyễn Tấn Dũng không có ý kiến, ông Trương Vĩnh Trọng – Phó Thủ tướng chỉ đạo : “Bộ LĐTBXH giải thích chính sách pháp luật cho bà Thục và gia đình”. Gia đình tôi đề nghị Bộ giải thích để gia đình thông hiểu chính sách chấp hành, các Thứ trưởng Bộ LĐTBXH không giải thích được lại chỉ đạo bộ phận “một cửa” nhận đơn để “bỏ túi” ? Bà Thục lại có đơn đến UBND phường Nam Thành ông Chủ tịch liên tục ghi lý do vào đơn. Bộ LĐTBXH có quyết định số 652 nên phường không giải quyết, bà Thục đến Bộ Nguyễn Văn Tiến kẻ nói một đàng, làm một nẻo nay nhảy tót ngồi ghế Chánh thanh tra Bộ LĐTBXH ngang nhiên ra thông báo số 218/BLĐTBXH ngày 09/6/2008 “không tiếp Công dân Vũ Thị Thục” ngày 12/9/2008 tôi có đơn Tố cáo Nguyễn Văn Tiến !!! Bùi Hồng Lĩnh kẻ đang bị Tố cáo lại ngồi nghế quan Toà ra số 427/LĐTBXH – TTr ngày 17/10/2008 đưa cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt dưới mồ lên và cho rằng ông Võ Văn Kiệt thông báo : “đã xem xét và có văn bản trả lời việc giải quyết đơn của Bộ LĐTBXH là đúng qui định của pháp luật ” ?

Thưa quí vị !

Ai được xem chứng cứ, việc giải quyết của những người đại diện cho cơ quan công quyền đều thốt lên : “Thế này thì đúng là Nhà dột từ nóc dột xuống !!!”, và nói: “Vậy mà khi mới nhận chức Thủ tướng Chính phủ ông Nguyễn Tấn Dũng hứa trước Quốc hội, trước Nhân dân, sẽ thực hiện việc cải cách hành chính để giảm bớt phiền hà cho dân...”. Thủ tướng nói: “Thích người ngay thẳng, ghét kẻ giả dối ???.”. Vậy sao Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không gương mẫu thực hiện quyền của mình theo luật đi ??? !!!

Tôi xin gửi một số văn bản kèm theo và hình ảnh bà Vũ Thị Thục mẹ “liệt sỹ” người đã mất một phần xương máu cho đảng CSVN và nhà nước CHXHCN VN có được mở maỳ mở mặt như hôm nay. Tha thiết mong Nước nhà độc lập để hưởng cuộc sống Tự do, ấm no, hạnh phúc, quí vị xem xét can thiệp để đơn tôi sớm được giải quyết theo luật.

Thay mặt gia đình tôi xim trân trọng cảm ơn./.

Công dân Bộ đội xuất ngũ

Hoàng Trung Kiên

Điện thoại liên lạc: 0989.203.278

Cụ Bà Trần Thị Thục 86 tuổi đang cầm trên tay bài báo đăng hoàn cảnh của gia đình mình trên tờ Tiếng nói Việt Nam cơ quan đài phát thanh Tiếng nói VN về cuộc đời khiếu kiện tố cáo trường kỳ của mình với đảng và nhà nước mấy chục năm dòng mà không được các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết !!!


Thứ Tư, 5 tháng 11, 2008

No4: Hai bức ảnh-hai cách nhìn về một sự kiện nước lụt Hà nội



Click the image to open in full size.Click the image to open in full size.

Ngày thứ 5 của trận lụt lịch sử ở Hà Nội, nước vẫn ngập và người dân vẫn khốn đốn.Mức nước có rút xuống vài chục phân, nhưng nạn ngập vẫn còn là nỗi đe dọa của nhiều vùng Hà Nội. Nhiều gia đình, cuộc sống bị đảo lộn nghiêm trọng. Nấu bữa ăn không xong thì còn nhờ hàng xóm, còn kê cao lên để đun phích nước sôi pha mỳ tôm mà ăn, nhưng khoản đầu ra thì không thể đi nhờ mãi được. Vì vậy, việc môi trường bị ô nhiễm là điều không thể tránh khỏi.

Giá vẫn là mức trên trời, nhiều gia đình chật vật với những toan tính, lo lắng cho từng bữa ăn của đàn con, cho những sinh hoạt thường ngày đã vô cùng vất vả. Nhiều gia đình hai ông bà cụ già, cụ ông bị ốm, còn cụ bà thì đi sơ tán… Các cháu nhỏ vẫn phải nghỉ học, những khu vực dân cư gần như bị đảo lộn những sinh hoạt thường ngày, đường Giải phóng thành chợ, thành bến xe… Những chuyến xe tải chở đất, chở trâu bò nay dùng chở người, chở ô tô và xe máy qua những con sông mà đáy làm bằng bê tông átphan cũng kiếm bộn tiền với giá 80.000 đồng/lượt với vài trăm mét đường bộ. Cả đoạn đường đầy mùi xú uế của bến xe và chợ ngay đầu đường vào Giáp Bát, nhộn nhạo, hôi hám và rác rưởi.

Nhà cửa nhếch nhác, hôi hám bẩn thỉu. Rác rưởi, phế thải trôi đầy ngõ xóm, đường làng, vào tận phòng khách, phòng ngủ và bếp của nhiều gia đình. Chắc chắn việc khắc phục hậu quả của trận lụt này còn phải mất nhiều thời gian.

Đời sống người dân khốn đốn, nhiều gia đình sống dở chết dở với nạn lụt. Người ta mong ngóng, người ta trông chờ những tấm lòng hào hiệp và hảo tâm của cộng đồng như những khi họ đã góp tiền bạc vật chất cho những nơi bị thiên tai. Nhất là họ đã ngóng chờ những động thái từ chính quyền và hàng loạt các cơ quan đoàn thể đang ngày đêm được nuôi nấng bằng những đồng tiền ngân sách quốc gia mà họ là người có nghĩa vụ đóng góp.

Nhưng, sự chờ đợi của họ thật hoài công và uổng phí. Họ đâu biết rằng, báo chí trước đây là công cụ đắc lực để kêu gọi những tấm lòng nhân ái, những bát cơm phiếu mẫu cho những nạn nhân thiên tai và nhân tai, thì nay đã bị cấm làm công tác cứu trợ nếu như không có “giấy phép”? Đã có chỉ thị, chính sách quy định rõ ràng về việc cứu trợ phải tập trung tiền, hàng về Mặt trận Tổ Quốc. Và cũng từ đó, báo chí hết cả nỗ lực kêu gọi và cứu trợ như trước đây để cho Mặt trận Tổ quốc lo cái nhiệm vụ - hay quyền lợi đó.

Việc cứu trợ từ các ân nhân, từ các tổ chức không được rầm rộ và hiệu quả như trước cũng chẳng trách được ai. Người ta còn nhớ những vụ tham nhũng tiền cứu trợ xảy ra cách đây chưa lâu như những bài học nhãn tiền. Vụ cứu trợ lụt bão ở Nghệ An, ba tỷ đồng đã bị các đồng chí xén mất một tỷ, vụ Hà Tĩnh, 26 tỷ đồng cứu trợ bị xà xẻo mà báo chí đã đưa om sòm, sau thấy im hơi lặng tiếng theo đúng lề đường đã vạch mà chưa thấy ai chịu trách nhiệm.

Còn gì dã man hơn lòng người khi cướp luôn cả miếng cơm khi đói của những nạn nhân được người khác chia sẻ? Những kẻ táng tận lương tâm đó đã để lại trong lòng người dân những nỗi chán chường và việc nhường cơm sẻ áo, có khi chỉ còn là chuyện của dĩ vãng về mối quan tâm mội người, một truyền thống đạo đức tốt đẹp.

Bên mép nước, rỗi rãi vì không có việc gì làm, một cụ già đã hóm hỉnh nói: “Có gì lạ khi bị cắt xén, xà xẻo những đồng tiền cứu trợ nạn nhân đâu, đó là những thứ ăn được mà. Ở ta, cái gì mà chẳng cắt, chẳng xén? Có những thứ không ăn được còn bị cắt xén nữa là, câu nói của TGM Giuse Ngô Quang Kiệt có ăn được đâu mà vẫn cứ bị chúng nó cắt xén như thường đấy thôi” . Nhiều cụ khác cười xòa, một cụ ra chiều suy nghĩ: “Được chứ bác, câu nói đó không ăn được, nhưng cơ hội kiếm ăn từ sự cắt xén đó là không nhỏ đâu” . Đến chịu các cụ, quả là nhàn cư vi… lắm chuyện.

Nạn lụt lội vẫn đang hoành hành và những hậu quả của nó không nhỏ. Những nạn nhân thì cứ vậy mà quằn quại và chấp nhận số phận mình, chẳng biết kêu ai. Thành phố Hà Nội đã đánh giá ngày hôm kia là thiệt hại 3000 tỷ đồng và 18 người chết. Những thiệt hại về người đó là dân, những thiệt hại kinh tế thì người dân đang chịu trực tiếp, không biết nhà nước đã tính vào con số 3.000 tỷ đồng kia chưa?

Những thùng hàng cứu trợ cho… cán bộ chính quyền?

Từ khi nước ào ào đổ xuống dâng đầy đường phố và các ngõ xóm, nơi đâu thì không chứng kiến được vì không thể ra khỏi làng. Nhưng nơi tôi ở, cả mấy chục nhà xung quanh thậm chí khó có thể nấu một bữa cơm ăn, vì nhà cửa ngập hết, chăn chiếu ướt sũng, phải lánh nạn hoặc ngâm mình chịu trận… đến nay đã 5 ngày. Nhưng chưa thấy bất cứ một cán bộ “của dân, do dân, vì dân” nào từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất thăm hỏi xem ai còn sống và ai đã chết.

Sáng nay, ngày 4/11, sau một trận ngủ vùi vì rỗi rãi đến tận 8 giờ. Vừa bước ra ngõ đã thấy hàng xóm đang bàn luận, tranh cãi về chuyện cứu trợ ra chừng bức xúc, một chị hàng xóm nổi nóng. “Từ nay, đừng có nói chuyện cứu trợ lụt bão cái con mẹ gì nữa nhé, cứu trợ nạn nhân lụt lội hay cứu trợ cho cán bộ”? Một cụ già ấm ức “trách gì những vùng đồng bào vùng sâu, vùng xa không bao giờ được chút cứu trợ cũng chẳng có gì lạ. Ngay giữa thủ đô này thôi, bây giờ hàng cứu trợ được cấp cho cán bộ chứ chẳng cần biết nạn nhân là ai” . Nhà cụ cả mấy ngày nay cũng đang khốn khổ vì nạn ngập nhà.

Hỏi ra thì được biết: Sáng nay, khi thấy phường bên cạnh có được nhận mỳ tôm cứu trợ, chị hàng xóm nhà tôi mới gọi Tổ trưởng dân phố để hỏi. Sau khi đi ra Phường, tổ trưởng dân phố mang về hai thùng hàng cứu trợ nghe nói là của Thành Phố. Một thùng cho ông, còn một thùng nữa cho ông tổ phó dân phố. Khi những người ngập nhà đến hỏi, thì ông bảo đây là của cán bộ chính quyền cơ sở và gia đình chính sách mà thôi? Thế là cả ngõ xóm rộ lên những lời ấm ức tuyệt vọng.



Hỡi ôi, hàng cứu trợ bão lụt lại không căn cứ hậu quả bão lụt, chẳng cần biết ai là nạn nhân, lại phân chia theo kiểu “đường sữa từ trên phát xuống”, ngay cả một ông có hai ngôi nhà năm tầng liền nhau và một ngôi nhà hai tầng cho thuê cao lừng lững không hề ngập lụt cũng được chia một thùng hàng cứu trợ. Còn người dân sống ngâm da mấy ngày nay chỉ đứng nhìn mà ấm ức thì họ không bất bình mới là chuyện lạ. Những lời qua, tiếng lại mát mẻ cứ thế được dịp bùng phát.

Chừng như thấy ngại cho chính sách cứu trợ của chính quyền, vì tổ phó dân phố đâu có ngập nhà, đâu có túng đói, nên ông sang bàn với tổ trưởng đem chia đều hai thùng mỳ tôm cho mọi nhà. Thấy câu chuyện vừa buồn cười vừa bực mình, tôi hỏi: “Ai bảo bác là chia đều mỗi nhà một gói mỳ tôm vậy?” ông bảo “tôi quyết định”. Tôi nói “Người dân không phải chỉ trông chờ vào gói mỳ tôm hay ít vật chất nào, nhưng cái họ chờ là sự quan tâm của những người là cán bộ của dân cơ ông ạ. Chưa thấy một cán bộ nào đến hỏi thăm dân đã chết hay còn sống, nên họ bức xúc thôi, ông đừng chia, họ không nhận những gói mỳ tôm kiểu đó, họ cần những tấm lòng hơn”. Ông bảo “họ bận, ông cán bộ mặt trận có đến nhà tôi rồi”. Nhiều người bức xúc “Họ bận gì, cán bộ hàng lớp từ thành phố đến quận, phường… ăn lương của dân mà những khi này không đến hỏi thăm một lời, thì họ bận việc gì? Thử bắt đầu làm cái nhà xem, có khi nào thoát được mấy ông cán bộ của dân đến hỏi thăm ngay không? Thử xem các khoản đóng góp tiền xem, có khi nào ông cán bộ bỏ sót nhà dân nào không?” Quả là đến chịu. Mấy gói mỳ cứu trợ cho cán bộ, không khéo lại nảy sinh những ấm ức khác trong lòng người dân. Đúng thật, không chỉ “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, mà “lời chào còn cao hơn mâm cỗ” là những câu nói người xưa đã đúc kết đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Đến chiều thì câu chuyện cứu trợ lụt bão càng thêm nhiều chuyện hài hước. Một chị ngập nhà đã mấy ngày, khi nhận được 3 gói mỳ tôm đã thắc mắc: “Bên phường cạnh, mỗi nhà được một thùng mỳ tôm, ở đây nhà cháu có 4 người, được 3 gói mỳ tôm ai ăn ai nhịn hả ông?” thì được cán bộ trả lời: “Thêm rau muống vào cho đủ mà chia nhau” .

Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đến thăm hỏi nạn nhân lụt lội

Chiều nay, Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã đến Làng Tám, thuộc phường Giáp Bát để thăm các nạn nhân sau khi Ngài đã đi qua thăm trường Bế Văn Đàn, nơi có một học sinh đã chết đuối ngay giữa lòng Thủ đô.

Nghe tin Đức Tổng về Làng Tám, giáo dân nô nức đón Đức Tổng ngay từ đầu làng. Sau những trận đòn hội chợ của truyền thông lăng mạ và kết tội. Sau những đêm kinh hoàng với những nhóm “quần chúng yêu nước” hò hét kêu gọi giết chết Đức Tổng một cách khát máu. Ngài ít khi ra ngoài, xung quanh nhà Ngài ở đã có hệ thống camera theo dõi cẩn thận (Sau này, nghe nói hình như thấy hình ảnh quá nhiều và quá lộ liễu một việc làm vi phạm pháp luật ngang nhiên, người ta đã thu gọn lại một vài chỗ kín đáo hơn). Những tháng ngày qua, Ngài như “tự quản chế” ngay giữa lòng Thủ đô. Những cuộc lễ đã có chương trình trước như Thêm Sức cho trẻ em ở các giáo xứ, đều đã bị bãi bỏ. Chỉ có những việc chẳng đặng đừng như việc tấn phong Giám mục Ngài không thể không đi thì Ngài mới ra ngoài.

Mọi người đều biết, chẳng phải Ngài sợ hãi gì cho bản thân khi Ngài đã quyết hiến cho Chúa trái tim dũng cảm. Nhưng Ngài không muốn cho những kẻ bất chấp lẽ phải có cơ hội tạo thêm nhiều rắc rối, căng thẳng làm mâu thuẫn tôn giáo ngày càng tăng trong xã hội.

Nhưng những việc tang, việc thăm hỏi các nạn nhân, bao giờ Ngài cũng không từ nan, dù biết có nhiều nguy hiểm cho bản thân. Vài tuần trước, Ngài đã đi viếng và làm lễ an táng một cụ cố ở Hà Nam khi người về với Chúa.

Trái ngược với hình ảnh thường thấy của những quan chức nhà nước đến thăm nạn nhân bão lụt với hàng đoàn ô tô, ghe xuồng đưa đón, người cầm ô, kẻ đưa rước. Thậm chí có những cuộc cứu trợ đã được nói đến là tốn phí cho việc quan chức đi thăm còn gấp mấy số tiền được đưa đi cứu trợ.

Chiều nay, Ngài đã xuống đến Làng Tám, với một bộ quần áo giản dị và đôi dép lê, một cây gậy tre cầm tay và cùng xắn quần móng lợn lội nước bẩn thăm những nạn nhân. Có những chỗ nước sâu ngập hết cả hai ống quần với làn nước dày đặc bèo, rác và muôn vàn thứ bẩn thỉu và hôi hám.

Ngài đã không ngại ngần mưa gió, ướt át và bẩn thỉu đến thăm những người dân này đã mấy ngày nay không bước chân ra khỏi nhà vì nước ngập, vì ốm đau. Ngài đến thăm “chú bé” đã hơn 20 tuổi vẫn nằm nguyên một chỗ với ông bà nội, nay mưa lũ phải di chuyển sang ở nhờ nhà khác. Ngài đến thăm những gia đình cô đơn, giả cả, yếu đau bệnh tật… Tất cả thể hiện tấm lòng yêu thương của Ngài, nêu cao tấm lòng tận tụy vì nhân dân, vì tha nhân.

Cuộc viếng thăm của Ngài chiều nay, là thể hiện một sự hi sinh hết mình với tinh thần “Ta đến để phục vụ mà không phải là để được phục vụ” đúng như khẩu hiệu của Ngài đã nói lên tất cả “Chạnh lòng thương”.

Đến gia đình Cụ Hoàng đã trọng tuổi, cụ ông vẫn nằm trên bệnh viện, cụ bà tuổi đã cao, dù nước đã rút được hơn ba chục cm, vẫn còn ngập sâu quá đầu gối mới vào được nhà. Đến thăm một gia đình ở giữa đường Giáp Bát, khi nước ngập quá sâu giáo dân thấy ái ngại cho Ngài, đã dùng mảng bằng xốp mời Ngài lên, nhưng khi các giáo dân đi theo không thể cùng lên, Ngài đã xuống cùng lội bộ cả quãng đường dài khắp xóm.

Thật cảm động khi người đứng đầu một Tổng Giáo phận đã không quản ngại vất vả, khó khăn và cả nguy hiểm để đến với những con chiên bé mọn của mình. Có những người dân khi được Đức Tổng đến thăm, đã không cầm được nước mắt vì xúc động. Có những bà cụ già cứ cầm tay mãi không muốn rời. Tất cả đều được coi là một hồng phúc, một hồng ân xuống cho gia đình mình khi được Đức Tổng đến thăm.

Không chỉ những giáo dân, khi chứng kiến Đức Tổng lội nước đến thăm các nạn nhân, những người ở tôn giáo bạn và bà con lương dân, đã không khỏi xuýt xoa khi chứng kiến cảnh này. Có cụ già nói lớn với những người xung quanh: “Nhìn ông Tổng Giám mục lội nước đến thăm dân, tôi mới hiểu vì sao khi ông cất lên một tiếng nói, đã có hàng vạn người đứng lên đáp lời với cả tấm lòng mình. Ông ấy chính là hiện thân của sự hi sinh cho dân chúng và cộng đồng” .

Chiều nay, khi Đức Tổng đã lên xe ra về, những tiếng nói, những nụ cười cảm động của những nạn nhân vẫn còn phảng phất, họ thấy mình thật sự hạnh phúc khi có một người cha chung đã không quản gian nguy, vất vả đến với những con chiên bé mọn như mình những khi nguy nan.

Thiết nghĩ rằng không cần nói nhiều, chính những hình ảnh đó đã khẳng định Ngài với trái tim yêu thương, nhân hậu và tinh thần xả thân phục vụ. Chính những hình ảnh, nụ cười, sự hân hoan của giáo dân, sự kính phục của cộng đồng nhân dân mà tôi được chứng kiến chiều nay đã khẳng định uy tín của Ngài được nâng cao hơn bao giờ hết.

Sự tín nhiệm người dân, cộng đồng đặt vào nơi Ngài không phải không có cơ sở. Sự hi sinh, hiến thân và tình yêu thương của Ngài, chính là cơ cở bảo đảm, khẳng định niềm tin yêu của cộng đồng dân chúng giành cho Ngài đã đặt không nhầm chỗ.

Ở Ngài không có những lời hoa mỹ, không có những hành động phô diễn hình thức, cũng không có sự giả tạo và nhất là sự vô cảm thường thấy hiện nay trước nỗi đau nhân quần mà chúng ta đang chứng kiến hàng ngày.

Thứ Tư, 29 tháng 10, 2008

No 3: Động Phong Nha


Giấu mình trong núi đá vôi được che chở bởi những cánh rừng nhiệt đới, Phong Nha giờ đây đã trở nên nổi tiếng bởi sự hào phóng của tạo hoá đã ban tặng cho vùng đất này một hệ thống hang động thật lộng lẫy với con sông ngầm được xác định là dài nhất thế giới.
Thuộc: Phong nha - Kẻ Bàng
Ðộng nằm ở vùng núi đá vôi Kẻ Bàng, cách thị xã Ðồng Hới 50 km về phía tây bắc. Từ Ðồng Hới, đi ô tô đến xã Sơn Trạch, sau đó đi thuyền trên sông Son, khoảng 30 phút thì đến động. Chỉ cách đây vài năm, đây còn là một con đường đất đỏ, mưa thì lầy lội, nắng thì bụi bẩn. Nơi mà một thời bom đạn chiến tranh đã không chừa một tấc đất, một nhành cây, một ngọn cỏ. Nhưng giờ đây, chính con đường này đã thổi một luồng sinh khí mới cho bộ mặt của cả vùng núi hoang sơ này.



Nếu như đấng tạo hoá đã tạo ra con người thì hình như chính tạo hoá lại chở che cho chúng. Trải qua bao cuộc chiến, Ðộng Phong Nha vẫn còn đó, nguyên sơ như hàng triệu năm về trước.
Những làng quê yên bình nằm xen kẽ giữa những lùm tre thấp thoáng mái nhà nâu đỏ bên hữu ngạn sông Son. Những O thôn nữ đứng gọi đò bên bến nước, những chiếc thuyền đưa khách ngước xuôi, chào hỏi nhau bằng ngôn ngữ của nhiều vùng làm sống động cả bến sông. Thuyền cập bến cũng là lúc du khách bắt đầu một cuộc hành trình khám phá một mê hồn cung giữa chốn đời thường.



Ðộng Phong Nha có rất nhiều nhánh với chiều dài lên đến khoảng trên 20 km, nhưng hiên nay người ta mới khám phá nhánh dài nhất là một phần của con sông ngầm có tên là Nậm Aki mà sông Son là phần lộ ra mặt đất, nó chui ngầm dưới đất ở vùng núi Pu-Pha-Ðam cách đó hơn 20km về phía Nam. Trước cửa động, cảnh núi non sông nước càng thêm quyến rũ, thiên nhiên hùng vĩ với vô vàn hình ảnh kỳ thú hiện ra như khêu gợi trí tưởng tượng của con người. Người ta đã khéo đặt tên cho cảnh đẹp nơi đây là Ðộng Phong Nha (Ðộng Răng Gió). Vào mùa nước lớn. nước sông Son dâng cao che khuất cửa hang, thuyền du lịch không vào đây được. Tương truyền hơn một trăm năm về trước, ông vua trẻ Hàm Nghi đã ẩn mình ở đây cùng một số cận thần và ra lời kêu gọi Cần Vương.



Cửa động rộng khoảng 20 mét, cao 10 mét, có nhũ đá lô nhô. Bơi thuyền qua cửa hang, động rộng như một cái bát úp trên mặt nước. Nước sông trong veo và phẳng lặng như mặt gương, càng vào sâu ánh sáng càng nhạt dần rồi mất hẳn. Xen lẫn với tiềng mái chèo như có tiếng chiêng "bi ...tùng ...bi" vẳng lên, người bản địa cho rằng đó là âm nhạc trong tiệc riệu của Thần Núi vọng ra... tất cả hợp thành tiếng nhạc, lúc âm u như tiếng chiêng, lúc bập bùng như tiến trống. Ðộng chính của động Phong Nha gồm 14 buồng nối liền bởi một hành lang nước dài đến 1500m. Từ buồng thứ 14 ta còn có thể theo những hành lang hẹp khác đi vào sâu hơn nữa đến những buồng cũng to rộng không kém nhưng có phần nguy hiểm hơn, nơi mà quá trình phong hoá đá vôi vẫn còng tiếp tục. Thuyền ngược dòng độ 800m thì đến chỗ cạn gọi là Hang nước cạn: nước biến đi nhường chỗ cho đá cát. Nhũ đá từ trên rủ xuống, măng đá từ dưới nhô lên tua tủa như cây rừng với những hình dáng kỳ lạ kịch thích trí tưởng tượng.

Phong Nha không giống như những điểm du lịch khác ở Việt Nam, động nằm trong khu rừng nguyên sinh Kẻ Bảng dường như còn nguyên sơ và tinh khôi. Trong con mắt của những vị du khách du lịch, những cư dân bản địa nơi đây mang một phong cách rất riêng "Họ cư xử thân thiện và tình cảm mang tính cách của người nông dân thuần kiết hơn là nhìn nhân du khách như là một cơ hội để tìm kiếm nguồn tài chính. Ðiều này càng làm cho Phong Nha thêm hấp dẫn khách du lịch".

No 2: Thung Lũng Mai Châu


Từ Hà Nội đi 70 km đến thị xã Hoà Bình. Ði tiếp 60 km nữa đến Mai Châu. ở đoạn đường thứ hai này bạn sẽ vượt qua dốc Cun dài 15 km. Gọi là dốc nhưng không phải một lần lên dốc là xong, thực ra đây là một đèo cao, có lúc tưởng như ôtô đang đi vào một biển mây. Khi lên đến đỉnh đèo, không ai qua đây là không dừng lại ngắm cảnh.
Thuộc: Hòa Bình
Huyện lỵ Mai Châu xinh đẹp hiện ra dưới tầm mắt du khách: một thung lũng xanh rờn cây lá, đồng lúa và những nếp nhà sàn đều tăm tắp như xếp hàng chào đón khách.
Nhà sàn ở đây cao ráo, sạch sẽ. Sàn nhà cách mặt đất khoảng 1,5 m bằng những cột gỗ chắc chắn. Khách đến nhà xin mời múc nước rửa chân trước khi bước lên cầu thang. Sàn nhà bằng tre hoặc bương. Mái nhà lợp lá gồi hoặc lá mây. Các cửa sổ trong nhà có kích thước khá lớn để đón gió mát và cũng là nơi để chủ nhà treo các giò hoa phong lan, lồng chim cảnh. Một khung dệt vải thổ cẩm được đặt cạnh một ô cửa sổ. Ðây là nơi làm việc của cô con gái lớn. Người con trai hỏi vợ chỉ cần nhìn lên giá xếp chăn đệm gối sạch sẽ với những màu sắc hoa văn trang trí là biết được sự chăm chỉ và tài nữ công của người vợ tương lai. Còn cô gái, muốn biết về người con trai sắp làm chồng mình thì hãy nhìn lên các cột nhà, nếu thấy vô số vảy cá to và nhất là nhiều đuôi cá dán lên cột thì hãy yên tâm là người con trai trong nhà này lao động giỏi, bắt được nhiều cá.



Bạn là khách, sẽ được ông chủ nhà trải chiếu hoa mời ngồi, rồi bày ra giữa chiếu một vò rượu cần bằng nếp cẩm. Còn bà chủ nổi lửa đồ xôi trong cái chõ cao lênh khênh của người Thái. Nhìn qua cửa sổ bạn sẽ thấy ở dưới đất có một ao cá nhỏ hình vuông sát chân cột nhà, những con cá đang bơi lặn ăn mồi trong nước ao trong vắt. Ông chủ sẽ dành cho bạn quyền chỉ vào con cá nào, ông sẽ bắt đúng con đó cho vào nồi cháo cá.



Một đêm nghỉ lại ở nhà sàn Mai Châu, bạn sẽ được xem múa, hát, nghe nhạc cồng chiêng...

No 1: Cảm nhận SaPa.


Ở phía tây bắc của Tổ quốc, Sa Pa là một huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai, một vùng đất khiêm nhường, lặng lẽ nhưng ẩn chứa bao điều kỳ diệu của cảnh sắc thiên nhiên. Phong cảnh thiên nhiên của Sa Pa được kết hợp với sức sáng tạo của con người cùng với địa hình của núi đồi, màu xanh của rừng, như bức tranh có sự sắp xếp theo một bố cục hài hoà tạo nên một vùng có nhiều cảnh sắc thơ mộng hấp dẫn
Thuộc: Lào Cai
Chìm trong làn mây bồng bềnh làm cho thị trấn Sa Pa như một thành phố trong sương huyền ảo, vẽ lên một bức tranh Sơn Thủy hữu tình. Nơi đây, có thứ tài nguyên vô giá đó là khí hậu trong lành mát mẻ, mang nhiều sắc thái đa dạng. Nằm ở độ cao trung bình 1500m – 1800m, nên khí hậu Sa Pa ít nhiều lại mang sắc thái của xứ ôn đới, với nhiệt độ trung bình 15-18°C.
Nằm cách thành phố Lào Cai 38km và cách Hà Nội 376km. Để đến đây có 2 đường: một từ thành phố Lào Cai vào, một từ Bình Lư (Lai Châu) sang, bằng nhiều loại phương tiện như: ôtô, xe máy, xe ngựa...
Sa Pa tên gọi này từ tiếng quan thoại. Tiếng quan thoại gọi Sa - Pả, "Sa" là cát, "Pả" là bãi. Địa danh của "bãi cát" này ở bên phải cầu km 32 từ Lào Cai vào Sa Pa. Ngày xưa chưa có thị trấn Sa Pa, cư dân ở vùng đất này đều họp chợ ở "bãi cát" đó. Do vậy, dân địa phương ai cũng nói là "đi chợ Sa Pả".
Từ hai chữ "Sa Pả", người Phương Tây phát âm không có dấu, nên thành Sa Pa và họ đã viết bằng chữ Pháp hai chữ đó là "Cha Pa" và một thời gian rất lâu người ta đều gọi "Cha Pa" theo nghĩa của từ tiếng Việt.
Còn thị trấn Sa Pa ngày nay, trước có một mạch nước đùn lên đục đỏ, nên dân địa phương gọi là "Hùng Hồ", "Hùng" là đỏ, "Hồ" là hà, là suối, suối đỏ.
Sa Pa có đỉnh Phan Si Păng cao 3.143m trên dãy Hoàng Liên Sơn. Gọi Hoàng Liên Sơn, bởi duy nhất trên dãy núi này có cây Hoàng Liên, một loại dược liệu quý, hiếm. Ngoài ra dãy Hoàng Liên còn là "mỏ" của loài gỗ quý như thông dầu, của bao chim thú, như gà gô, gấu, khỉ, sơn dương và của hàng ngàn loại thuốc. Khu rừng quốc gia Hoàng Liên Sơn có 136 loài chim, có 56 loài thú, 553 loài côn trùng. Có 37 loài thú được ghi trong "sách đỏ Việt Nam. Rừng Hoàng Liên Sơn có 864 loài thực vật, trong đó có 173 loài cây thuốc.



Sa Pa có núi Hàm Rồng ở sát ngay thị trấn, bất kỳ du khách nào cũng có thể lên đó để ngắm toàn cảnh thị trấn, thung lũng Mường Hoa, Sa Pả, Tả Phìn ẩn hiện trong sương khói. Hiện nay, với bàn tay tôn tạo của con người, Hàm Rồng thực sự là một thắng cảnh đầy hoa trái của Sa Pa. Và, nếu ai đã đến Thạch Lâm (Vân Nam, Trung Quốc) thì Hàm Rồng cũng có thể giúp các bạn tưởng tượng là Thạch Lâm được. Lên Hàm Rồng, du khách như lạc vào vườn tiên, mây ùa kín thân người, hoa rực rỡ mặt đất.
Sa Pa còn có nhà thờ cổ ở ngay thị trấn và từ thị trấn đi ngược về hướng đông bắc, trên đường đi tới động Tả Phìn lại có một tu viện được xây gần toàn như bằng đá tại một sườn đồi quang đãng, thoáng mát. Qua tu viện đi bộ ba cây số theo hướng bắc ta đến một hang động với độ rộng có thể đủ chứa một số lượng người cỡ trung đoàn của quân đội. Trong hang nhiều nhũ đá tạo nên những hình thù kỳ thú như hình tiên múa, đoàn tiên ngồi, cánh đồng xa, rừng cây lấp lánh. Tại Tả Phìn này với hai tộc người là Mông và Dao đã tạo nên cơ sở sản xuất mặt hàng thổ cẩm xuất bán cho cả nước và nước ngoài khá nổi tiếng.
Ngay người Mường Hoa đi xa lâu ngày về cũng chỉ mong được ăn bữa cá của quê hương. Đặc biệt thung lũng Mường Hoa có 196 hòn chạm khắc nhiều hình kỳ lạ của những cư dân cổ xưa cách đây hàng ngàn vạn năm mà nhiều nhà khảo cổ học vẫn chưa giải mã được những thông tin đó. Khu chạm khắc cổ đã được xếp hạng di tích quốc gia và đang được Nhà nước ta đề nghị xếp hạng di sản thế giới.
Thác Bạc từ độ cao trên 200m những dòng nước đổ ào ào tạo thành âm thanh núi rừng.

Sa Pa là "vương quốc" của hoa trái, như đào hoa, đào vàng to, đào vàng nhỏ, mận hậu, mận tím, mận tam hoa, hoa lay dơn, hoa mận, hoa lê, hoa đào, hoa cúc, hoa hồng…đặc biệt là hoa bất tử sống mãi với thời gian.
Sa Pa với 6 tộc người cũng cư trú, mỗi tộc người có một vốn văn hoá riêng. Đặc trưng nổi bật của Sa Pa là lễ hội "Roóng pọc" của người Giáy Tả Van vào ngày Thìn tháng giêng âm lịch, cùng với lễ hộI Roóng pọc còn có hội "Sải Sán" (đạp núi) của người Mông, lễ "Tết nhảy" của người Dao Đỏ, tất cả đều diễn ra vào tháng tết hàng năm.
Song, điều mà cả nước biết đến đó là chợ phiên của Sa Pa, một trong 18 đơn vị hành chính của Sa Pa thì chỉ duy nhất có một chợ phiên họp vào ngày chủ nhật tại huyện lỵ (thị trấn Sa Pa). Người dân ở nơi xa phải đi từ ngày thứ 7 và tối hôm thứ bảy là mọi người cùng thức vui với nhau bằng những bài hát dân ca của trai gái người Mông, người Dao, bằng những âm thanh của đàn môi, của sáo, của khèn Mông, bằng những bát rượu tràn đầy của những người có tuổi…và người ta đã đặt cho nó là "chợ tình".