Thứ Năm, 6 tháng 8, 2009

No26: Thư phê bình và kiến nghị Gửi Hội nghị lần thứ 14 BCHTW Đảng

TP Hồ Chí Minh, ngày 03 tháng 02 năm 2006

Kính gửi :
- Tổng Bí thư và Bộ Chính trị
- Uỷ ban kiểm tra Trung ương.
- Ban chấp hành Trung ương khoá 9.

Đồng kính gửi :
- Bí thư Thành phố và Đoàn đại biểu dự đại hội 10 của 64 tỉnh thành cả nước.
- Các đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp
- Cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh
- Các đồng chí lão thành cách mạng
- Các Tướng lĩnh trong quân đội ở các quân khu
và Hội Cựu chiến binh 64 tỉnh thành cả nước.

Tôi Nguyễn Văn Thi (Năm Thi), sinh năm 1920, vào Đảng năm 1940, nguyên Uỷ viên Ban cán sự Đảng, Uỷ viên Tỉnh uỷ, Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ Thủ Dầu Một (Nay là tỉnh Bình Dương - Bình Phước).

Từ năm 1942 đến 1946:
- Chi đội trưởng Chi đội 1 Liên trung đoàn 301 - 310.
- Tư lệnh và Thường vụ đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn năm 1950.
- Bí thư Đảng bộ nhà tù Côn Đảo 1953 (thời chống Pháp).
- Chủ nhiệm Hậu cần Bộ Chỉ huy miền thời chống Mỹ.
- Nghỉ hưu tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Căn cứ Mục 3 Điều 3 Điều lệ Đảng hiện hành, tôi có thư phê bình và kiến nghị này gửi đến Hội nghị Trung ương 14 nội dung như sau :

I. Phê bình:

Tôi là một Đảng viên lão thành cách mạng vào Đảng và hoạt động từ trước 1945 đã được nhận huy hiệu 60 năm tuổi Đảng cách đây 6 năm. Còn các đồng chí từ Tổng Bí thư đến các Uỷ viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương khoá 9 đều nhỏ hơn tôi hàng chục tuổi đời, nhưng các thư từ ý kiến của người cao tuổi đời, tuổi Đảng như tôi cũng như một số đồng chí khác chưa lần nào được các đồng chí trả lời theo quy định của Điều lệ Đảng. Từ lá thư đầu 1986 gửi Trung ương khoá 6 đến nay là khoá 9 tôi đã gửi tất cả 6 thư mà không một nội dung nào được xem xét giải quyết và trả lời. Nay bằng thư này tôi xin trực tiếp phê bình đồng chí Tổng Bí thư và các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Trung ương 9 đã hành xử không dân chủ đối với tôi và nhiều đồng chí khác từng gửi thư đến Trung ương Đảng đều không được giải quyết trả lời, chứng tỏ ngay các đồng chí ở Trung ương Đảng đã vi phạm điều lệ Đảng đã ban hành. Nếu phê bình này các đồng chí Trung ương Đảng không tiếp thu sửa chữa, thì chính các đồng chí đã làm cho vũ khí tự phê bình và phê bình mất tác dụng, không gương mẫu cho Đảng viên trong toàn Đảng noi theo.

II. Kiến nghị:

Sau 20 năm đổi mới, Ban chấp hành Trung ương 9 chỉ mới tổng kết đánh giá về các mặt kinh tế - chính trị - xã hội mà chưa đánh giá đầy đủ kết quả đổi mới về con người tức là đổi mới về nhân sự của hệ thống chính trị và quản lý Nhà nước. Vì thế đồng thời với thành tựu kinh tế vấn tiếp tục xẩy ra nhiều bức xúc về quản lý kinh tế và xã hội trong đời sống người dân và nhiều bức xúc về chính trị về Nhà nước trong đông đảo Đảng viên. Đó là nguyên nhân sâu xa dẫn đến thực trạng khiếu kiện ngày càng nhiều trong dân và chất vấn kiến nghị ngày càng nhiều trong Đảng đối với Trung ương. Hội nghị Trung ương 14 thực sự tiếp tục con đường đổi mới cần phải mạnh bạo tự mổ xẻ ngay trong nội bộ từ Bộ Chính trị đến Ban chấp hành, từ Tổng Bí thư đến từng Uỷ viên Trung ương để cương quyết loại bỏ những uỷ viên đã sai phạm dù trực tiếp hay gián tiếp ở cương vị người đứng đầu các lĩnh vực, các địa phương, từ các bộ, ngành đến các tỉnh thành ra khỏi cương vị lãnh đạo, không được tái đề cử vào khoá 10. Hội nghị Trung ương 14 làm được như vậy mới thực hiện được ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập Đảng cộng sản Việt Nam là muốn có chủ nghĩa xã hội trước hết cần phải có con người xã hội chủ nghĩa.

Xuất phát từ đó Hội nghị Trung ương 14 là hội nghị cuối cùng giải quyết về nhân sự chuẩn bị cho Đại hội 10, tôi xin kiến nghị cụ thể các vấn đề sau:

1. Nếu nhiệm kỳ 9 Ban chấp hành Trung ương không giải quyết dứt điểm các vụ án chính trị siêu nghiêm trọng đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh và ba chúng tôi là Phạm Văn Xô - Đồng Văn Cống - Nguyễn Văn Thi và nhiều Đảng viên lão thành cách mạng trong Đảng, trong quân đội đã có thư gửi đến Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá 9 từ các Hội nghị Trung ương lần thứ 10, 11, 12, 13 càng chứng tỏ các đồng chí chưa làm tròn nhiệm vụ của người Đảng viên đã quy định tại Điều lệ hiện hành. Trách nhiệm đó trước hết thuộc về người đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư đến Bộ Chính trị mà tôi và nhiều Đảng viên trong cả nước cho rằng Trung ương Đảng khoá 9 đã tiếp tục duy trì ảnh hưởng của hai ông Đỗ Mười và Lê Đức Anh vì nể nang hoặc cố tình để bảo vệ chức danh của mình nhờ hai ông này mà có được. Không đưa ra giải quyết các vụ án này là che dấu khuyết điểm của Trung ương 9 đã tiếp tục kéo dài từ khoá 4 đến nay để bảo vệ quyền lợi cá nhân của một số người đã được tạo ra, bất chấp uy tín của toàn Đảng và tiếp tục không muốn đổi mới để cải cách hệ thống chính trị và quản lý Nhà nước bằng thay đổi nhân sự lãnh đạo Tỉung ương Đảng thật sự là những người trong sạch, có đức, có tài, có uy tín trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Hậu quả sẽ là Đảng viên chân chính cả nước sẽ tiếp tục đấu tranh để chỉ rõ trách nhiệm thuộc về Ban chấp hành khoá 9 mà người đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư. Tôi kiến nghị Hội nghị Trung ương 14 cần làm rõ trách nhiệm giải quyết các vụ án này của Ban chấp hành Trung ương 9 trước khi bàn đến nhân sự khoá 10. Có như vậy mới thấy rõ trong Ban chấp hành khoá 9 ai là người có đủ tư cách vào khoá 10 từ đồng chí Tổng Bí thư đến từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương?

2. Để có được sự đổi mới về nhân sự cho khoá 10, tôi kiến nghị từ Tổng Bí thư đến từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương khoá 9 phải có bản tự kiểm điểm theo 3 nội dung sau đây, trước khi Ban chấp hành Trung ương 9 có bản kiểm điểm cả nhiệm kỳ.

2.1. Về tài sản cá nhân và gia đình của từng Ủy viên Bộ Chính trị đến Ủy viên Ban chấp hành Trung ương phải tự kê khai theo đúng quy định tại Nghị định 64 và Điều 11 Nghị định 13 sửa đổi bổ sung của Chính phủ đã ban hành theo Pháp lệnh chống tham nhũng. Trong đó có quy định bản tự kê khai phải công khai trong toàn Đảng để Đảng viên giám sát phát hiện. Có như vậy mới làm sáng tỏ ý kiến của Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng-Nguyễn Văn Chi đã trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn Giải phóng số ra ngày 07/6/2005 về các trường hợp đem tiền gửi ở ngân hàng nước ngoài hoặc đầu tư cho vợ con kinh doanh bất động sản, mua cổ phiếu lớn, tiêu xài hoang phí, đi du lịch, cho con du học Mỹ v.v... trong Ban chấp hành Trung ương có những ai? (Xem bài “Chống những nguy cơ bên trong đối với một Đảng cộng sản cầm quyền” của giáo sư Đặng Xuân Kỳ, trên tạp chí Thông tin công tác tư tưởng lý luận số 12/2005). Qua tự kê khai tài sản sẽ làm sáng tỏ trường hợp “năm nhà ba vợ vẫn là Trung ương” là ai trong Bộ Chính trị khoá 9? Hội nghị Trung ương 14 cần coi tự kê khai tài sản là tiêu chuẩn hàng đầu về đạo đức lối sống để lựa chọn nhân sự cho Đại hội 10.

2.2. Trong nhiệm kỳ 9 cả nước từ các bộ ngành thuộc Chính phủ đến các tỉnh thành ở đâu, cấp nào cũng đều có Ủy viên Bộ Chính trị hoặc Ủy viên Ban chấp hành Trung ương đứng đầu Đảng chính quyền nhưng hầu như ở đâu cũng để xẩy ra nhiều vụ tiêu cực tham nhũng làm thất thoát công quỹ mà lại do nhân dân tố giác, báo chí phanh phui. Có vụ đã xử thành án như vụ Năm Cam, Lã Thị Kim Oanh... có vụ đang tạm giam để điều tra như vụ ở Bộ Thương mại, Bộ Giao thông vận tải... có vụ chờ thanh tra điều tra như vụ các công trình SEAGAME 22, vụ Phú Mỹ Hưng ở Thành phố Hồ Chí Minh... Tất cả chưa vụ nào xử lý trách nhiệm người đứng đầu là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương đã lãnh đạo nơi để xẩy ra vụ việc đó. Vì thế năm sau số vụ việc tai tiếng nhiều hơn năm trước, tham nhũng lãng phí từ tệ nạn trở thành quốc nạn. Chống tham nhũng lãng phí bằng Pháp lệnh không hiệu quả rồi chống bằng Bộ luật sắp ban hành nhưng vẫn không vạch mặt chỉ tên được người đứng đầu chịu trách nhiệm là ai? Vì thế dù luật đã thông qua nhưng vẫn là Ban chỉ đạo như Pháp lệnh, không có một tổ chức quốc gia chống tham nhũng, vẫn cứ do Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban để “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Không giám noi theo các nước trong khu vực khi họ đã có hẳn một cơ quan chống tham nhũng cấp quốc gia rất có hiệu quả. Tất cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương khoá 9 cần kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo Đảng đã để các đơn vị thuộc phạm vi mình quản lý có vụ việc xẩy ra dù đã hoặc chưa bị xử lý cũng phải tự rút hoặc Hội nghị Trung ương 14 phải loại ra khỏi danh sách đề cử vào Ban chấp hành khoá 10.

2.3. Từ sau Hội nghị Trung ương 11 dư luận công khai vạch ra thực trạng bè cánh ngay trong Bộ Chính trị gọi là bè lũ 6 tên hoặc 8 tên. Có đảng viên hưu trí tại Thành phố Hồ Chí Minh gửi thư chất vấn và kiến nghị đến Hội nghị Trung ương 12 đã chỉ rõ đó là 6 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị gồm các đồng chí: Trần Đức Lương, Trần Đình Hoan, Phạm Văn Trà, Nguyễn Khoa Điềm, Lê Hồng Anh, Phan Diễn. Vì thế mà thế lực của bè cánh này đã thách thức dư luận qua hai sự việc họ đã làm là:

a) Tung ra Bản báo cáo tại Hội nghị Đảng uỷ quân sự Trung ương mở rộng ngày 24/8/2004 để gọi những đảng viên lão thành đòi giải quyết các vụ án chính trị siêu nghiêm trọng và vụ Đảng tịch Lê Đức Anh là phần tử cấp tiếp, đòi khai trừ Đảng cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh.

b) Cuối năm 2005, họ lại cho xuất bản và phát hành cuốn sách “Đại tướng Lê Đức Anh” để Đỗ Mười viết lời tựa ca tụng Lê Đức Anh là “Nhà chính trị tầm cỡ - nhà quân sự lớn” nhằm tạo thanh thế cho bè cánh đang tại chức lọt vào Ban chấp hành khoá 10 theo mưu đồ của Đỗ Mười và Lê Đức Anh. Hội nghị Trung ương 14 cần làm rõ cái gọi là bè lũ 6 tên hay 8 tên đó là những ai? Ai là người chịu trách nhiệm trong Bộ Quốc phòng đưa ra Bản báo cáo nói trên? Ai là người duyệt và cho xuất bản cuốn sách “Đại tướng Lê Đức Anh”? Tất cả những người đó Hội nghị Trung ương 14 phải loại họ ra khỏi danh sách đề cử vào Ban chấp hành khoá 10.

Nếu không xuất phát từ 3 nội dung tự kiểm điểm nói trên Hội nghị Trung ương 14 không đủ cơ sở pháp lý và tính Đảng để lựa chọn những con người trong sạch về lối sống, đủ đức, đủ tài, đủ tín nhiệm vào khoá 10 cho dù người đó ở độ tuổi nào. Đồng thời Hội nghị Trung ương 14 còn phải đưa ra nội dung các thư chất vấn và kiến nghị, các phát biểu của các Đảng viên lão thành đến các Đảng viên hưu trí, Cựu chiến binh cả nước đã gửi, đã nêu đích danh một số Ủy viên Bộ Chính trị và cả những người được bầu đi dự đại hội 10 để Uỷ ban Kiểm tra Trung ương xem xét có đủ tư cách dự đại hội 10 chứ chưa nói là đề cử vào khoá 10. Nhiều phát biểu về những con người mà dư luận đánh giá là “hổ phụ không sinh hổ tử” lại sinh ra “cẩu tử” hoặc có người được coi là “nhân vật số 1” trong Bộ Chính trị hiện nay; trước kỳ Đại hội Đảng các tỉnh thành, các bộ ngành người này đã đưa ra báo giá cho mỗi chức danh đứng đầu ít nhất là 30 tỷ đồng. Đó là đồng chí Nguyễn Khoa Điềm hiện là Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng ban Tư tưởng văn hoá Trung ương sinh ra từ người cha là nhà hoạt động cách mạng Nguyễn Khoa Văn tức Nguyễn Hải Triều và đồng chí Nguyễn Chí Vịnh được bầu là đại biểu dự Đại hội 10 sinh ra từ người cha là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là người liên quan đến các vụ án siêu nghiêm trọng Sáu Sứ, T4 nhưng vẫn được phe cánh bao che phong hàm Trung tướng để mưu đồ lọt vào Trung ương Đảng khoá 10. Đó là đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng ban tổ chức Trung ương Trần Đình Hoan với quá nhiều tai tiếng từ trước Đại hội 9 về quyền thế bè cánh, trước đại hội Đảng các địa phương các ngành về giá cả từng chức danh đến quan hệ nam nữ mập mờ ở Quảng Ninh mà cán bộ hưu trí nào ở đó cũng biết rõ.

Vấn đề nhân sự không chỉ là sự bàn bạc đi đến nhất trí bằng bỏ phiếu mà phải thẳng thắn đánh giá từng con người, từng cương vị trong nhiệm kỳ 9 tại Hội nghị Trung ương 14, là trách nhiệm lịch sử của Ban chấp hành Trung ương 9 phải kiên quyết loại bỏ những Ủy viên Trung ương khoá 9 là bè phái, là người nhiều tai tiếng không để một ai lọt vào khoá 10.

Hội nghị Trung ương 14 phải sàng lọc cho được những người đề cử vào khoá 10 để Ban chấp hành khoá 10 thực sự là bộ máy lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đủ năng lực đổi mới bằng cải cách hệ thống chính trị và quản lý Nhà nước tiến kịp với cải cách và phát triển kinh tế. Bộ máy Đảng cộng sản Việt Nam khoá 10 phải thực sự cải cách hệ thống chính trị và quản lý Nhà nước để chịu trách nhiệm toàn diện, lãnh đạo toàn diện, không tiếp tục thực trạng vừa là Đảng vừa là Nhà nước; càng không thể Đảng trong Đảng, Nhà nước trong Nhà nước. Tất cả phải rạch ròi về mặt Đảng lãnh đạo giữa 3 cơ quan: Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp mới thực sự là một đảng cầm quyền không còn là độc quyền như hiện nay. Đảng cộng sản Việt Nam muốn đảm bảo chế độ chính trị có một đảng thì bộ máy lãnh đạo của Đảng phải xây dựng các đoàn thể quần chúng trở thành người đại diện thật sự và có thẩm quyền của các tầng lớp nhân dân, chứ không thể tồn tại như hiện nay họ chỉ biết đồng tình cho dù trong lòng con bất bình và biến họ thành những cánh tay nối dài của Đảng. Đó mới thực sự là Đảng của toàn dân, được dân tín nhiệm, một lòng theo Đảng theo Bác Hồ như lúc Bác còn sống.

3. Để tiếp tục đổi mới về nhân sự, Hội nghị Trung ương 14 cần bãi bỏ các thông lệ đã tồn tại nhiều kỳ qua khiến Đảng ngày càng trở thành độc quyền không dân chủ. Kiến nghị bãi bỏ 4 nội dung sau :

a) Bãi bỏ việc chia các chức danh Tổng Bí thư - Chủ tịch Quốc hội - Chủ tịch nước - Thủ tướng Chính phủ cho đủ mặt của 3 miền Bắc - Trung - Nam.

b) Bãi bỏ việc Ban chấp hành Trung ương bầu Tổng bí thư, bầu Bộ Chính trị, bầu Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra và bầu Uỷ ban Kiểm tra. Tất cả các chức danh này phải do Đại hội 10 bầu trực tiếp, Hội nghị Trung ương 14 có trách nhiệm đề cử mỗi chức danh Tổng Bí thư và Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra là 3 người để Đại hội lựa chọn.

c) Bãi bỏ trình tự đã có lâu nay là sau Đại hội Đảng lựa chọn được các chức danh nói trên mới tổ chức bầu cử Quốc hội, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp. Bãi bỏ trình tự này để chấm dứt dư luận trong dân mỉa mai là: “Đảng cử dân bầu”. Muốn vậy Đại hội 10 phải sửa đổi Điều lệ Đảng để Ban chấp hành khoá 10 phải chỉ đạo bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp trước khi chuẩn bị Đại hội 11. Có như vậy để thông qua kết quả bầu cử người dân trực tiếp lựa chọn được người đại diện cho mình vào các cơ quan lập pháp thì trong Đảng mới lựa chọn được người có uy tín vào cơ quan lãnh đạo của Đảng từ cơ sở đến Trung ương.

d) Bãi bỏ không để một Ủy viên Bộ Chính trị hoặc Ủy viên Ban chấp hành Trung ương vừa được dân bầu vào cơ quan lập pháp là Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, họ lại vừa nắm giữ các chức quyền ở cơ quan hành pháp và tư pháp như hiện nay.

4) Kiến nghị Hội nghị Trung ương 14 phải đề cử kỳ được ứng cử viên vào chức vụ là Tổng Bí thư và Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra là người đủ hiền tài để đại diện cho nguyên khí quốc gia, có đủ năng lực và trình độ lái con tàu Đảng cộng sản Việt Nam đi tiếp con đường đổi mới để hội nhập quốc tế mà vẫn giứ được độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, đưa Việt Nam thực sự là nước có xã hội công bằng dân chủ văn minh. Chức vụ Tổng Bí thư phải là người đại diện tin cậy cho 2,7 triệu Đảng viên, cho 80 triệu dân và cho cả giai cấp công nhân Việt Nam, không thể để chức vụ này rơi vào bất cứ một Ủy viên Bộ Chính trị hay một Ủy viên Ban chấp hành Trung ương khoá 9 vượt quá tuổi quy định hay dù còn nhỏ một hai tuổi nhưng có quá nhiều tai tiếng đã có từ trước Đại hội 9 đến suốt nhiệm kỳ 9 nhất là trong phe cánh của ông Đỗ Mười - Lê Đức Anh đã làm dư luận trong Đảng bất bình như những người tôi đã nêu danh ở trên.

5. Kiến nghị Hội nghị Trung ương 14 sau khi lựa chọn được danh sách nhân sự đề cử vào Ban chấp hành Trung ương khoá 10 và hai chức danh Tổng Bí thư - Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cần phải đổi mới để công bố ra toàn Đảng cho mọi Đảng viên trong cả nước biết. Đồng thời cung cấp đường dây nóng cho mọi Đảng viên có quyền góp ý kiến để đại hội 10 rộng đường lựa chọn. Công khai như vậy mới chứng tỏ Đảng thực sự đổi mới, thực sự dân chủ hóa, chấm dứt bệnh cơ cấu và bệnh Đảng hoá về nhân sự.

Hội nghị Trung ương 14 phải giải quyết được các kiến nghị nói trên mới thực sự đi tiếp con đường đổi mới, mới chấm dứt được những tồn tại đã kéo dài từ các nhiệm kỳ trước suốt 20 năm đổi mới. Trước hết phải cương quyết sửa đổi Điều lệ Đảng hiện hành để bãi bỏ những quy định cũ nói trên. Hội nghị Trung ương 14 phải đưa ra một danh sách nhân sự Ban chấp hành Khoá 10 để Đại hội 10 lựa chọn sao cho đạt được ý nguyện của 2,7 triệu Đảng viên cả nước là: Đại hội 10 là Đại hội xây dựng, chỉnh đốn Đảng, là Đại hội có quyết sách đưa Luật chống tham nhũng và lãng phí đi vào cuộc sống để xã hội Việt Nam không bị nạn bè phái, quốc nạn tham nhũng lãng phí đẩy đến tận cùng thối nát làm cho chế độ đi đến sụp đổ như Lênin đã chỉ ra.

Tôi xin gửi đến Hội nghị Trung ương 14 các kiến nghị trên và đồng gửi đến các đồng chí Bí thư các tỉnh thành và Đoàn đại biểu dự Đại hội 10 của 64 tỉnh thành cả nước, để thông qua các đồng chí xin gửi gắm tất cả các nội dung kiến nghị là ý nguyện tha thiết nhất của một Đảng viên lão thành đã 66 tuổi Đảng, 86 tuổi đời mong sao qua từng Đại biểu dự Đại hội 10 sáng suốt lựa chọn được một Ban chấp hành Trung ương Đảng thật sự trong sạch vững mạnh và một Tổng Bí thư là người cầm lái con tàu Đảng cộng sản Việt Nam phải là một hiền tài là nguyên khí quốc gia.

Trân trọng kính chào và chúc Hội nghị Trung ương 14 thành công.

Người viết: Đảng viên lão thành

Nguyễn Văn Thi
ĐC : 20B88 Cư xá Nguyễn Trung Trực
Đường 3/2 Quận 10 TP Hồ Chí Minh
ĐT : 08.8655878

Không có nhận xét nào: