Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2008

No6: Vì sao Việt nam "hoãn" Bầu cử Chủ tịch Xã?



Khi Thằng Bé Cộng Sản Việt Nam sợ những bước đi chập chững dân chủ

Theo tin Vietnamnet, hôm 15 tháng 11 vừa qua, ngay trước khi bế mạc kỳ họp thứ tư, với 95 phần trăm số phiếu tán thành, quốc hội Việt Nam đã bỏ quyết định về thí điểm cho người dân trực tiếp bầu chủ tịch xã. Nói là việc này "được lùi lại, cân nhắc và tiếp tục nghiên cứu để quyết định vào thời gian thích hợp."

Trước đó, trong khi thảo luận lần đầu tại các phiên họp tổ, và tại Hội trường quốc hội, đa số đều nhất trí với chủ trương cho người dân bầu trực tiếp chủ tịch xã. Xem đây là "một bước tiến dân chủ và kỳ vọng tiến tới sẽ bầu trực tiếp ở cấp cao hơn.". Giải trình trước quốc hội hôm 7-11, Bộ trưởng Nội vụ Việt Nam Nam Trần Văn Tuấn khẳng định rằng, chủ trương này đã được nghiên cứu kỹ, đã lấy ý kiến của các địa phương, và nhận được sự ủng hộ... Tuy nhiên, chỉ một tuần sau đó, Phó Chủ tịch quốc hội Uông Chu Lưu lại giải trình trước quốc hội rằng,vì còn nhiều mô hình khác nhau, nên việc bầu trực tiếp như vậy sẽ không thuận cho chỉ đạo, điều hành.

Tại sao Đảng và nhà nước Cộng Sản Việt Nam lại đi thụt lùi trên bước tiến dân chủ ngay từ bước đầu dò dẫm như thế? Câu trả lời có lẽ nằm trong câu chuyện bầu cử Xã sau đây, mà các báo đài của nhà nước đã không dám loan tải.

Mới đây Cộng Sản Việt Nam đã thử nghiệm cho bầu cử “tự do, dân chủ” chức vụ chủ tịch Xã ở một vài địa điểm. Tại xã Ngọc Mỹ, Huyện Quốc Oai, Hà Tây, qua 3 đời chủ tịch Xã: Nguyễn Văn Hoa, Nguyễn Thế Dục, Nguyễn Văn Khôi, dân trong xã đã thấy những chủ tịch xã vừa kể đều bất xứng. Trong đợt bầu cử Xã vào tháng 6/2008, Chủ tịch xã đương nhiệm Nguyễn Văn Khôi ra ứng cử, dân chúng trong Xã phản đối, tẩy chay không tham gia đi bầu. Sau cùng Uỷ ban Nhân Dân Hà Tây phải đưa ra nhân sự mới là Nguyễn Chí Lợi ra ứng cử. Dân chúng Xã Ngọc Mỹ cũng không đồng ý tham gia bầu cử với 1 ứng viên độc diễn được đảng đưa ra, và họ tự đề cử một cựu chiến binh là ông Nguyễn Văn Trực ra tranh cử cùng với ông Nguyễn Chí Lợi. Kết quả ông Trực thắng cử và thắng lớn. Ủy Ban Nhân Dân Hà Tây đã buộc phải chấp nhận kết quả,và ông Nguyễn Văn Trực là tân Chủ Tịch xã Ngọc Mỹ, Huyện. Quốc Oai, Hà Tây.

Đây là một sự kiện phấn khởi, cần được loan tin rộng rãi, để nêu cao tinh thần “Nhà Nước là từ dân, của dân, vì dân”. Vì qua cuộc bầu cử trên, người dân xã Ngọc Mỹ đã thể hiện đúng nghĩa tinh thẫn người dân àm chủ tập thể, tự quyết định lấy vận mạng của mình, tự chọn cho mình người đại diện mà mình tin tưởng, thay vì để người khác chọn hộ. Bà con xã Ngọc Mỹ cũng đã chứng tỏ một ý thức dân chủ cao độ, đầy tự tin, khi cương quyết từ chối tham gia vào những cuộc bầu cử mà họ không được có cơ hội bầu cử một cách công bình. Chính sự tự tin và cương quyết đó đã buộc Ủy Ban Nhân Dân Hà Tây phải chấp nhận kết quả cuộc bầu cử dân chủ này. Sau đó, Ủy Ban Nhân Dân Hà Tây đã tôn trọng ý nguyện người dân, thể hiện tinh thần nhà nước là công bộc phục vụ nhân dân, lắng nghe và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Thái độ này của Ủy Ban Nhân Dân Hà Tây nhiều phần sẽ được nhân dân tín nhiệm, mà không cần phải có sự giúp đỡ qua những áp đặt chuyên chế từ Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Đảng và nhà nước Việt Nam bao năm qua đã hô hào dân chủ hoá từ cơ sở, lẽ ra phải vui mừng với cuộc bầu cử kể trên tại xã Ngọc Mỹ, thì lại tỏ vẻ lo ngại. Sự lo ngại này biểu hiện qua việc không cho báo đài loan tải tin tức về cuộc bầu cử đó, và vội vàng đình chỉ vô hạn định những thử nghiệm cho dân bầu trực tiếp người đại diện ở cấp xã. Sợ rằng đảng sẽ mất quyền làm cha mẹ. Chỉ với quyết định cho người dân bầu cử trực tiếp ở đơn vị thấp nhất là xã, mà Đảng Cộng Sản Việt Nam đã vội rụt lại, không dám thử tiếp những bước chập chững trên đường dân chủ hóa, thì nhân dân Việt Nam không thể thụ động chờ mong Đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ dẫn dắt Việt Nam hội nhập vào thế giới dân chủ pháp quyền như họ đã hứa hẹn.

Để khỏi lại phải ăn bánh vẽ của đảng Cộng Sản Việt Nam thêm một lần nữa, người dân Việt Nam cần noi gương bà con xã Ngọc Mỹ, Hà Tây. Tự tin, mạnh dạn thực hiện quyền làm chủ cho chính mình Cương quyết tẩy chay mọi cuộc bỏ phiếu Đảng Cử Dân phải bầu. Những cuộc bầu cử phải là cơ hội để người dân thực hiện quyền dân chủ thực sự, qua việc tự mình chọn lựa người đại diện xứng đáng cho mình.

Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2008

No5: Tại sao Thủ tướng CP không gương mẫu thực hiện quyền của mình theo luật !!!

Tỉnh Ninh Bình ngày 04 tháng 11 năm 2008

Tại sao Thủ tướng Chính Phủ “ông Nguyễn Tấn Dũng

Không gương mẫu thực hiện quyền của mình theo luật !!!

Thưa quí vị !

Thời gian qua tôi liên tục có đơn, bài gửi đến Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam ông Nguyễn Tấn Dũng và các cơ quan hữu trách phản ảnh việc bà Vũ Thị Thục 86 tuổi mẹ “liệt sỹ”. Trú tại : Số nhà 66 đường Tây thành, phường Nam thành, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình gần 40 năm đi tìm công lý cho chồng là ông Hoàng Văn Qùi. Năm 1966 - Đảng lao động VN tức ĐCSVN ngày nay, chính quyền địa phương giao nhiệm vụ cho ông Qùi bảo vệ tài sản Bệnh viện Quân y số 5, kết hợp phục vụ cho Bộ đội chiến đấu. Chưa có chiến sự thì tăng gia sản xuất trong khu vực Bệnh viện để gây qũi cho đơn vị.

Ngày 28/8/1966 máy bay không quân của Mỹ đến ném bom ông Qùi bị thương trong khuôn viên “bệnh viện” đội cứu thương của xã Ninh Thành đưa đi cứu chữa vì vết thương quá nặng nên đã hy sinh, chính quyền địa phương tổ chức làm Lễ truy điệu tuyên bố trước Nhân dân sẽ đề nghị công nhận ông Qùi là liệt sỹ (cùng ngày trên địa bàn xã Ninh Thành có 2 dân quân đang trên đường đi bị bom chết tại chỗ là ông Ngà + bà Dần đã được công nhận liệt sỹ).

Chồng chết, con đầu là Hoàng Văn Cần có giấy gọi Đại học nhưng tình nguyện lên đường “đánh Mỹ” tức vào Nam rồi hy sinh năm 1968. Vậy là người đàn bà nghe lời kêu gọi của ĐCSVN mất Chồng, mất Con mong nước nhà độc lập, thống nhất để được hưởng cuộc sống Tự do, ấm no, hạnh phúc... Nhưng bọn “Quan lại” ở địa phương bắt nạt, buộc bà phải để đất của gia đình cho hộ liền kề làm đường đi. Bị áp bức người đàn bà góa đã đứng lên bảo vệ quyền lợi chính đáng của gia đình và có đơn đề nghị các cơ quan xem xét trường hợp chết của chồng.

Các cơ quan tổ chức nhiều hội nghị gọi là xác minh, đối thoại không mời những người đại diện cho Đảng, chính quyền địa phương là các ông Trần Văn Lữ - Bí thư chi bộ đảng CS thôn Phúc Chỉnh. Nguyễn Văn Áp - Đại đội trưởng Dân quân II. Đặng Văn Chắt - Chủ nhiệm kiêm bí thư chi bộ CS của HTX Nông nghiệp Phúc Thành đến nhà vận động và giao nhiệm vụ cho ông Qùi. Họ lại dựng nhân chứng giả để bóp méo sự thật làm cho cán bộ đã giao nhiệm vụ cho ông Qùi bất bình có đơn kiến nghị.

Bà Thục càng có đơn kêu oan, các cơ quan lại thi nhau trả lời đã giải quyết công minh có tình, có lý !!! Ông Nông Đức Mạnh nguyên Chủ tịch Quốc hội CSVN xem xét đề nghị Bộ Lao động Thương Binh xã hội giải quyết dứt điểm. Nhưng Bộ này lý do “gia đình bà Thục mới có đơn chưa có hồ sơ của chính quyền địa phương đề nghị công nhận liệt sỹ cho ông Hoàng Văn Qùi. Chính quyền địa phương lại lý do “Bộ có quyết định 652 chấm dứt vụ việc nên không giám lập hồ sơ...” ?

Trước cảnh người sinh ra mình bị bọn “Quan lại” cửa quyền sách nhiễu. Dưới đá lên trên đạp xuống tìm hiểu chính sách của Đảng, các qui định của pháp luật và những trường hợp tương tự ông Hoàng Văn Qùi được “Quan lại CSVN” địa phương lập hồ sơ đề nghị trên xét công nhận liệt sỹ ? Tôi gửi đơn đến Bộ LĐTBXH, ông Bùi Sỹ Lợi - Chánh thanh tra có số 835/LĐTBXH-TTr ngày 14/11/2005 đưa ra văn bản các “Quan CS” đã tự ý dụng quyền lực trả lời không thỏa đáng trong đó có quyết định 652 của Bộ và nói; “nếu ông và gia đình chưa rõ đề nghị làm đơn gửi Tổng thanh tra để được giải thích.”. Tôi có đơn gửi Tổng Thanh tra sau đó trực tiếp đến 220 Đội Cấn, Hà nội. Tới đây tôi chứng kiến cảnh người dân đội đơn kêu oan trước xe ông Quách Lê Thanh - Tổng thanh tra Chính phủ nhưng ông “Tổng Quách” thể hiện khí tiết “Người chiến sỹ CS phải có trai tim Đá và dòng Máu lạnh...”, mặc cho lũ dân đen kêu oan ông Tổng Quách ta cứ ung dung ngồi trên xe hơi tân kỳ có máy lạnh vì đã có công an và bảo vệ xua đuổi lũ dân đen để ông Tổng tiến thẳng vào công đường !!!

Kỳ họp thứ X, Quốc hội của đảng CSVN khóa XI theo dõi đại biểu Quốc hội chất vấn vụ việc ông Tổng Quách nhận 110 triệu tiền quà biếu, tôi mới hiểu vì ông Tổng mải nhận quà nên quên không giải quyết đơn thư khiếu kiện tố cáo của dân, thế rồi ông cũng được hạ cánh an toàn cùng 6 Quan chức khác, về hưu chót lọt chẳng hề hấn gì sất ?

Ngày 24/2/2006 ông Lợi gửi thư cho bà Thục cầm đến UBND phường Nam Thành, các “Quan lại CS ” lý do : Thư không có dấu, không nói rõ phường lập lại hồ sơ ? Người đàn bà ngoài 80 tuổi lại từ Ninh Bình lên thủ đô Hà Nội, tôi viết thư gửi ông Lợi. Cơ quan Bộ có số 9337/LĐTBXH - TTr ngày 24/3/2006 do Nguyễn Văn Tiến - Phó Thanh tra ký nội dung “trả lại đơn và các giấy tờ để ông thực hiện quyền Khiếu nại theo qui định của pháp luật ” ? Tôi làm theo hướng dẫn các “Quan lại” không giải quyết đơn theo luật tự ý ra số 22/CV-UBND ngày 07/7/2006 cho rằng : “xem xét cái chết của ông Hoàng Văn Qùi để công nhận liệt sỹ không thuộc thẩm quyền của UBND phườmg Nam thành ” gia đình lại nhờ Bộ can thiệp. Bộ LĐTBXH thông báo: Đúng 8h30 ngày 29/11/2006 tổ chức đối thoại tại phường Nam Thành. Hội nghị này do ông Tiến chủ trì, không mời nhân chứng, không làm đúng nội dung người Khiếu nại, Tố cáo yêu cầu ? Khi đối thoại không giải thích được ông Tiến lừa đảo nói “để đi gặp nhân chứng rồi quay lại gặp gia đình” nhưng tự ý ra số 478/LĐTBXH-TTr ngày 20/12/2006 trà đạp lên số 9337 ngày 24/3/2006 chính “Quan” Tiến hướng dẫn tôi làm theo luật. (nôi dung hội nghị đối thoại tôi có ghi âm).

Không nhất trí số 478 tôi có đơn phúc đáp gửi ông Tiến và Báo cáo đến các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước không có hồi âm? Ngày 20/6/2007 tôi đến Bộ ông Tiến lý do không nhận được đơn, tôi đưa số 21 ngày 25/1/1007 Mặt trận Tổ quốc Việt nam báo tin đã chuyển đơn đến Bộ, ông Tiến yêu cầu đưa đơn xem xong ông giao cho bộ phận “một cửa” nhận !

Ngày 20/7/2007 tôi gặp ông Bùi Hồng Lĩnh - Thứ trưởng khi tôi giới thiệu con bà Thục Ninh Bình ông xua đuổi lên Chính phủ, tôi đưa giấy nhận đơn yêu cầu trả lời, ông đẩy cho ông Hoàng - Trưởng phòng thanh tra cùng tham gia tiếp dân ông Hoàng nói: “việc này phức tạp nên đã báo cáo Thủ tướng xin ý kiến chắc Thủ tướng sẽ chỉ đạo làm lại từ đầu”

Ngày 19/9/2007 Bộ trưởng Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ có số 5285/VPCP - VII thông báo ý kiến chỉ đạo của ông Trương Vĩnh Trọng - Phó Thủ tướng.

Ngày 08/10/2007 Bộ có số 3523 kèm theo số 5285 của VPCP, số 2396 của Bộ do ông Lĩnh ký. Khi xem số 2396 tôi mới biết Bùi Hồng Lĩnh đã xuyên tạc vu cáo : “bà Thục và con trai là Hoàng Trung Kiên liên tục đến Bộ yêu cầu phải công nhận ông Hoàng Văn Qùi liệt sỹ… đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Tổng Thanh tra ra thông báo chấm dứt việc tiếp và giải quyết Khiếu nại....”

Ngày 19/10/2007 tôi có đơn Tố cáo Bùi Hồng Lĩnh gửi đến Thủ tưởng và các cơ quan can thiệp làm rõ vụ việc theo luật.

Ngày 20/10/2007 tôi đến Bộ LĐ&TBXH - ông Nguyễn Thanh Hòa , Thứ trưởng bảo lên Chính phủ, tôi đưa công văn số 5285 của Chính phủ đề nghị giải thích chính sách pháp luật để gia đình chấp hành, ông Thứ trưởng không giải thích được, lại giao cho bộ phận “một cửa” nhận đơn Tố cáo ông Lĩnh Thứ trưởng ?

Ngày 20/3/2008 tôi gặp bà Huỳnh Thị Nhân - Thứ trưởng, bà bảo tôi đưa giấy tờ liên quan gần nhất, xem song bà Thứ trưởng lại chỉ đạo bộ phận “một cửa” nhận đơn?

Theo thông báo số 620/TD - MTTW ngày 26/10/2007 Mặt trận Tổ quốc Việt nam chuyển đơn tôi đến Thủ tướng Chính phủ để giải quyết theo luật. Ba lần tôi đến Trụ sở tiếp dân (TSTD) Trung ương Đảng + Nhà nước 110 Cầu giấy Hà Nội bị cán bộ TSTD gây khó dễ, ông Hoàng Như Hải tiếp dân Văn phòng Chính phủ ngang nhiên làm liều cụ thể.

Lần đầu; Sáng 17/12/2006 Cán bộ TSTD đưa đẩy nhau. Đến chiều ông Phan Văn Hải - tiếp dân Thanh tra Chính phủ bảo tôi về Bộ LĐTBXH giải quyết. Tôi đề nghị hướng dẫn bằng văn bản ông lại bỏ đi ?

Lần hai :Đinh Thị Thuý Quỳnh lý do tiếp dân Văn phòng Chính phủ đi vắng, tôi điện cho ông Bùi Nguyên Suý lãnh đạo TSTD số máy. 0913.530.508 ông nói thông cảm bữa sau tới?

Lần ba : Ngày 16/6/2008 bà Quỳnh cầm đơn, chứng cứ đi báo cáo lãnh đạo sau đó bà viết giấy cho tôi đến tiếp dân Văn phòng Chính phủ ông Hoàng Như Hải không xem chứng cứ, không nghe trình bầy nói. “việc này đã trả lời rồi còn thắc mắc gì” ? Tôi đưa đơn và số 620 Mặt trận Việt nam thông báo đã chuyển đơn tố cáo đề ngày 19/10/2006 đến Thủ tướng, ông Hải chỉ xem CV số 620 rồi nói: Bọn Mặt trận không hiểu gì về luật, giám chuyển đơn của công dân cho Thủ tướng rồi lấy bút ghi vào góc số 6

20 và bảo; Tôi thay Thủ tướng trả lời yêu cầu anh chấp hành CV số 3523 của Bộ LĐTBXH ?

Tôi nói : Ông cho rằng “bọn Mặt trận” không hiểu luật, chắc ông học cao nên được ngồi chồm chỗm tiếp dân Văn phòng Chính phủ, nhưng thái độ, việc làm của ông thể hiện như kẻ vô học. Số 620 của Mặt trận đại diện cho một cơ quan nhà nước, họ làm không đúng ông cũng phải có văn bản trả lời. Ông thay Thủ tướng, giấy uỷ quyền đâu ông ta lại bỏ đi ?

Tôi tiếp tục có đơn Kiến nghị gửi Thủ tướng và các cơ quan. Ngày 03/7/2008 Mặt trận Tổ quốc Việt nam lại có số 395/ TD - MTTW Thông báo; Căn cứ mục 2 chương VII luật KNTC, luật MTTQ Việt Nam đã chuyển đơn tôi đến Thủ tướng Chính phủ, đã quá thời gian qui định đơn tôi vẫn không được giải quyết theo luật ?

Bùi Hồng Lĩnh đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Tổng Thanh tra ra thông báo chấm dứt việc tiếp, giải quyết khiếu nại của bà Thục. Đương kim Thủ tướng ông Nguyễn Tấn Dũng không có ý kiến, ông Trương Vĩnh Trọng – Phó Thủ tướng chỉ đạo : “Bộ LĐTBXH giải thích chính sách pháp luật cho bà Thục và gia đình”. Gia đình tôi đề nghị Bộ giải thích để gia đình thông hiểu chính sách chấp hành, các Thứ trưởng Bộ LĐTBXH không giải thích được lại chỉ đạo bộ phận “một cửa” nhận đơn để “bỏ túi” ? Bà Thục lại có đơn đến UBND phường Nam Thành ông Chủ tịch liên tục ghi lý do vào đơn. Bộ LĐTBXH có quyết định số 652 nên phường không giải quyết, bà Thục đến Bộ Nguyễn Văn Tiến kẻ nói một đàng, làm một nẻo nay nhảy tót ngồi ghế Chánh thanh tra Bộ LĐTBXH ngang nhiên ra thông báo số 218/BLĐTBXH ngày 09/6/2008 “không tiếp Công dân Vũ Thị Thục” ngày 12/9/2008 tôi có đơn Tố cáo Nguyễn Văn Tiến !!! Bùi Hồng Lĩnh kẻ đang bị Tố cáo lại ngồi nghế quan Toà ra số 427/LĐTBXH – TTr ngày 17/10/2008 đưa cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt dưới mồ lên và cho rằng ông Võ Văn Kiệt thông báo : “đã xem xét và có văn bản trả lời việc giải quyết đơn của Bộ LĐTBXH là đúng qui định của pháp luật ” ?

Thưa quí vị !

Ai được xem chứng cứ, việc giải quyết của những người đại diện cho cơ quan công quyền đều thốt lên : “Thế này thì đúng là Nhà dột từ nóc dột xuống !!!”, và nói: “Vậy mà khi mới nhận chức Thủ tướng Chính phủ ông Nguyễn Tấn Dũng hứa trước Quốc hội, trước Nhân dân, sẽ thực hiện việc cải cách hành chính để giảm bớt phiền hà cho dân...”. Thủ tướng nói: “Thích người ngay thẳng, ghét kẻ giả dối ???.”. Vậy sao Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không gương mẫu thực hiện quyền của mình theo luật đi ??? !!!

Tôi xin gửi một số văn bản kèm theo và hình ảnh bà Vũ Thị Thục mẹ “liệt sỹ” người đã mất một phần xương máu cho đảng CSVN và nhà nước CHXHCN VN có được mở maỳ mở mặt như hôm nay. Tha thiết mong Nước nhà độc lập để hưởng cuộc sống Tự do, ấm no, hạnh phúc, quí vị xem xét can thiệp để đơn tôi sớm được giải quyết theo luật.

Thay mặt gia đình tôi xim trân trọng cảm ơn./.

Công dân Bộ đội xuất ngũ

Hoàng Trung Kiên

Điện thoại liên lạc: 0989.203.278

Cụ Bà Trần Thị Thục 86 tuổi đang cầm trên tay bài báo đăng hoàn cảnh của gia đình mình trên tờ Tiếng nói Việt Nam cơ quan đài phát thanh Tiếng nói VN về cuộc đời khiếu kiện tố cáo trường kỳ của mình với đảng và nhà nước mấy chục năm dòng mà không được các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết !!!


Thứ Tư, 5 tháng 11, 2008

No4: Hai bức ảnh-hai cách nhìn về một sự kiện nước lụt Hà nội



Click the image to open in full size.Click the image to open in full size.

Ngày thứ 5 của trận lụt lịch sử ở Hà Nội, nước vẫn ngập và người dân vẫn khốn đốn.Mức nước có rút xuống vài chục phân, nhưng nạn ngập vẫn còn là nỗi đe dọa của nhiều vùng Hà Nội. Nhiều gia đình, cuộc sống bị đảo lộn nghiêm trọng. Nấu bữa ăn không xong thì còn nhờ hàng xóm, còn kê cao lên để đun phích nước sôi pha mỳ tôm mà ăn, nhưng khoản đầu ra thì không thể đi nhờ mãi được. Vì vậy, việc môi trường bị ô nhiễm là điều không thể tránh khỏi.

Giá vẫn là mức trên trời, nhiều gia đình chật vật với những toan tính, lo lắng cho từng bữa ăn của đàn con, cho những sinh hoạt thường ngày đã vô cùng vất vả. Nhiều gia đình hai ông bà cụ già, cụ ông bị ốm, còn cụ bà thì đi sơ tán… Các cháu nhỏ vẫn phải nghỉ học, những khu vực dân cư gần như bị đảo lộn những sinh hoạt thường ngày, đường Giải phóng thành chợ, thành bến xe… Những chuyến xe tải chở đất, chở trâu bò nay dùng chở người, chở ô tô và xe máy qua những con sông mà đáy làm bằng bê tông átphan cũng kiếm bộn tiền với giá 80.000 đồng/lượt với vài trăm mét đường bộ. Cả đoạn đường đầy mùi xú uế của bến xe và chợ ngay đầu đường vào Giáp Bát, nhộn nhạo, hôi hám và rác rưởi.

Nhà cửa nhếch nhác, hôi hám bẩn thỉu. Rác rưởi, phế thải trôi đầy ngõ xóm, đường làng, vào tận phòng khách, phòng ngủ và bếp của nhiều gia đình. Chắc chắn việc khắc phục hậu quả của trận lụt này còn phải mất nhiều thời gian.

Đời sống người dân khốn đốn, nhiều gia đình sống dở chết dở với nạn lụt. Người ta mong ngóng, người ta trông chờ những tấm lòng hào hiệp và hảo tâm của cộng đồng như những khi họ đã góp tiền bạc vật chất cho những nơi bị thiên tai. Nhất là họ đã ngóng chờ những động thái từ chính quyền và hàng loạt các cơ quan đoàn thể đang ngày đêm được nuôi nấng bằng những đồng tiền ngân sách quốc gia mà họ là người có nghĩa vụ đóng góp.

Nhưng, sự chờ đợi của họ thật hoài công và uổng phí. Họ đâu biết rằng, báo chí trước đây là công cụ đắc lực để kêu gọi những tấm lòng nhân ái, những bát cơm phiếu mẫu cho những nạn nhân thiên tai và nhân tai, thì nay đã bị cấm làm công tác cứu trợ nếu như không có “giấy phép”? Đã có chỉ thị, chính sách quy định rõ ràng về việc cứu trợ phải tập trung tiền, hàng về Mặt trận Tổ Quốc. Và cũng từ đó, báo chí hết cả nỗ lực kêu gọi và cứu trợ như trước đây để cho Mặt trận Tổ quốc lo cái nhiệm vụ - hay quyền lợi đó.

Việc cứu trợ từ các ân nhân, từ các tổ chức không được rầm rộ và hiệu quả như trước cũng chẳng trách được ai. Người ta còn nhớ những vụ tham nhũng tiền cứu trợ xảy ra cách đây chưa lâu như những bài học nhãn tiền. Vụ cứu trợ lụt bão ở Nghệ An, ba tỷ đồng đã bị các đồng chí xén mất một tỷ, vụ Hà Tĩnh, 26 tỷ đồng cứu trợ bị xà xẻo mà báo chí đã đưa om sòm, sau thấy im hơi lặng tiếng theo đúng lề đường đã vạch mà chưa thấy ai chịu trách nhiệm.

Còn gì dã man hơn lòng người khi cướp luôn cả miếng cơm khi đói của những nạn nhân được người khác chia sẻ? Những kẻ táng tận lương tâm đó đã để lại trong lòng người dân những nỗi chán chường và việc nhường cơm sẻ áo, có khi chỉ còn là chuyện của dĩ vãng về mối quan tâm mội người, một truyền thống đạo đức tốt đẹp.

Bên mép nước, rỗi rãi vì không có việc gì làm, một cụ già đã hóm hỉnh nói: “Có gì lạ khi bị cắt xén, xà xẻo những đồng tiền cứu trợ nạn nhân đâu, đó là những thứ ăn được mà. Ở ta, cái gì mà chẳng cắt, chẳng xén? Có những thứ không ăn được còn bị cắt xén nữa là, câu nói của TGM Giuse Ngô Quang Kiệt có ăn được đâu mà vẫn cứ bị chúng nó cắt xén như thường đấy thôi” . Nhiều cụ khác cười xòa, một cụ ra chiều suy nghĩ: “Được chứ bác, câu nói đó không ăn được, nhưng cơ hội kiếm ăn từ sự cắt xén đó là không nhỏ đâu” . Đến chịu các cụ, quả là nhàn cư vi… lắm chuyện.

Nạn lụt lội vẫn đang hoành hành và những hậu quả của nó không nhỏ. Những nạn nhân thì cứ vậy mà quằn quại và chấp nhận số phận mình, chẳng biết kêu ai. Thành phố Hà Nội đã đánh giá ngày hôm kia là thiệt hại 3000 tỷ đồng và 18 người chết. Những thiệt hại về người đó là dân, những thiệt hại kinh tế thì người dân đang chịu trực tiếp, không biết nhà nước đã tính vào con số 3.000 tỷ đồng kia chưa?

Những thùng hàng cứu trợ cho… cán bộ chính quyền?

Từ khi nước ào ào đổ xuống dâng đầy đường phố và các ngõ xóm, nơi đâu thì không chứng kiến được vì không thể ra khỏi làng. Nhưng nơi tôi ở, cả mấy chục nhà xung quanh thậm chí khó có thể nấu một bữa cơm ăn, vì nhà cửa ngập hết, chăn chiếu ướt sũng, phải lánh nạn hoặc ngâm mình chịu trận… đến nay đã 5 ngày. Nhưng chưa thấy bất cứ một cán bộ “của dân, do dân, vì dân” nào từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất thăm hỏi xem ai còn sống và ai đã chết.

Sáng nay, ngày 4/11, sau một trận ngủ vùi vì rỗi rãi đến tận 8 giờ. Vừa bước ra ngõ đã thấy hàng xóm đang bàn luận, tranh cãi về chuyện cứu trợ ra chừng bức xúc, một chị hàng xóm nổi nóng. “Từ nay, đừng có nói chuyện cứu trợ lụt bão cái con mẹ gì nữa nhé, cứu trợ nạn nhân lụt lội hay cứu trợ cho cán bộ”? Một cụ già ấm ức “trách gì những vùng đồng bào vùng sâu, vùng xa không bao giờ được chút cứu trợ cũng chẳng có gì lạ. Ngay giữa thủ đô này thôi, bây giờ hàng cứu trợ được cấp cho cán bộ chứ chẳng cần biết nạn nhân là ai” . Nhà cụ cả mấy ngày nay cũng đang khốn khổ vì nạn ngập nhà.

Hỏi ra thì được biết: Sáng nay, khi thấy phường bên cạnh có được nhận mỳ tôm cứu trợ, chị hàng xóm nhà tôi mới gọi Tổ trưởng dân phố để hỏi. Sau khi đi ra Phường, tổ trưởng dân phố mang về hai thùng hàng cứu trợ nghe nói là của Thành Phố. Một thùng cho ông, còn một thùng nữa cho ông tổ phó dân phố. Khi những người ngập nhà đến hỏi, thì ông bảo đây là của cán bộ chính quyền cơ sở và gia đình chính sách mà thôi? Thế là cả ngõ xóm rộ lên những lời ấm ức tuyệt vọng.



Hỡi ôi, hàng cứu trợ bão lụt lại không căn cứ hậu quả bão lụt, chẳng cần biết ai là nạn nhân, lại phân chia theo kiểu “đường sữa từ trên phát xuống”, ngay cả một ông có hai ngôi nhà năm tầng liền nhau và một ngôi nhà hai tầng cho thuê cao lừng lững không hề ngập lụt cũng được chia một thùng hàng cứu trợ. Còn người dân sống ngâm da mấy ngày nay chỉ đứng nhìn mà ấm ức thì họ không bất bình mới là chuyện lạ. Những lời qua, tiếng lại mát mẻ cứ thế được dịp bùng phát.

Chừng như thấy ngại cho chính sách cứu trợ của chính quyền, vì tổ phó dân phố đâu có ngập nhà, đâu có túng đói, nên ông sang bàn với tổ trưởng đem chia đều hai thùng mỳ tôm cho mọi nhà. Thấy câu chuyện vừa buồn cười vừa bực mình, tôi hỏi: “Ai bảo bác là chia đều mỗi nhà một gói mỳ tôm vậy?” ông bảo “tôi quyết định”. Tôi nói “Người dân không phải chỉ trông chờ vào gói mỳ tôm hay ít vật chất nào, nhưng cái họ chờ là sự quan tâm của những người là cán bộ của dân cơ ông ạ. Chưa thấy một cán bộ nào đến hỏi thăm dân đã chết hay còn sống, nên họ bức xúc thôi, ông đừng chia, họ không nhận những gói mỳ tôm kiểu đó, họ cần những tấm lòng hơn”. Ông bảo “họ bận, ông cán bộ mặt trận có đến nhà tôi rồi”. Nhiều người bức xúc “Họ bận gì, cán bộ hàng lớp từ thành phố đến quận, phường… ăn lương của dân mà những khi này không đến hỏi thăm một lời, thì họ bận việc gì? Thử bắt đầu làm cái nhà xem, có khi nào thoát được mấy ông cán bộ của dân đến hỏi thăm ngay không? Thử xem các khoản đóng góp tiền xem, có khi nào ông cán bộ bỏ sót nhà dân nào không?” Quả là đến chịu. Mấy gói mỳ cứu trợ cho cán bộ, không khéo lại nảy sinh những ấm ức khác trong lòng người dân. Đúng thật, không chỉ “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, mà “lời chào còn cao hơn mâm cỗ” là những câu nói người xưa đã đúc kết đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Đến chiều thì câu chuyện cứu trợ lụt bão càng thêm nhiều chuyện hài hước. Một chị ngập nhà đã mấy ngày, khi nhận được 3 gói mỳ tôm đã thắc mắc: “Bên phường cạnh, mỗi nhà được một thùng mỳ tôm, ở đây nhà cháu có 4 người, được 3 gói mỳ tôm ai ăn ai nhịn hả ông?” thì được cán bộ trả lời: “Thêm rau muống vào cho đủ mà chia nhau” .

Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đến thăm hỏi nạn nhân lụt lội

Chiều nay, Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã đến Làng Tám, thuộc phường Giáp Bát để thăm các nạn nhân sau khi Ngài đã đi qua thăm trường Bế Văn Đàn, nơi có một học sinh đã chết đuối ngay giữa lòng Thủ đô.

Nghe tin Đức Tổng về Làng Tám, giáo dân nô nức đón Đức Tổng ngay từ đầu làng. Sau những trận đòn hội chợ của truyền thông lăng mạ và kết tội. Sau những đêm kinh hoàng với những nhóm “quần chúng yêu nước” hò hét kêu gọi giết chết Đức Tổng một cách khát máu. Ngài ít khi ra ngoài, xung quanh nhà Ngài ở đã có hệ thống camera theo dõi cẩn thận (Sau này, nghe nói hình như thấy hình ảnh quá nhiều và quá lộ liễu một việc làm vi phạm pháp luật ngang nhiên, người ta đã thu gọn lại một vài chỗ kín đáo hơn). Những tháng ngày qua, Ngài như “tự quản chế” ngay giữa lòng Thủ đô. Những cuộc lễ đã có chương trình trước như Thêm Sức cho trẻ em ở các giáo xứ, đều đã bị bãi bỏ. Chỉ có những việc chẳng đặng đừng như việc tấn phong Giám mục Ngài không thể không đi thì Ngài mới ra ngoài.

Mọi người đều biết, chẳng phải Ngài sợ hãi gì cho bản thân khi Ngài đã quyết hiến cho Chúa trái tim dũng cảm. Nhưng Ngài không muốn cho những kẻ bất chấp lẽ phải có cơ hội tạo thêm nhiều rắc rối, căng thẳng làm mâu thuẫn tôn giáo ngày càng tăng trong xã hội.

Nhưng những việc tang, việc thăm hỏi các nạn nhân, bao giờ Ngài cũng không từ nan, dù biết có nhiều nguy hiểm cho bản thân. Vài tuần trước, Ngài đã đi viếng và làm lễ an táng một cụ cố ở Hà Nam khi người về với Chúa.

Trái ngược với hình ảnh thường thấy của những quan chức nhà nước đến thăm nạn nhân bão lụt với hàng đoàn ô tô, ghe xuồng đưa đón, người cầm ô, kẻ đưa rước. Thậm chí có những cuộc cứu trợ đã được nói đến là tốn phí cho việc quan chức đi thăm còn gấp mấy số tiền được đưa đi cứu trợ.

Chiều nay, Ngài đã xuống đến Làng Tám, với một bộ quần áo giản dị và đôi dép lê, một cây gậy tre cầm tay và cùng xắn quần móng lợn lội nước bẩn thăm những nạn nhân. Có những chỗ nước sâu ngập hết cả hai ống quần với làn nước dày đặc bèo, rác và muôn vàn thứ bẩn thỉu và hôi hám.

Ngài đã không ngại ngần mưa gió, ướt át và bẩn thỉu đến thăm những người dân này đã mấy ngày nay không bước chân ra khỏi nhà vì nước ngập, vì ốm đau. Ngài đến thăm “chú bé” đã hơn 20 tuổi vẫn nằm nguyên một chỗ với ông bà nội, nay mưa lũ phải di chuyển sang ở nhờ nhà khác. Ngài đến thăm những gia đình cô đơn, giả cả, yếu đau bệnh tật… Tất cả thể hiện tấm lòng yêu thương của Ngài, nêu cao tấm lòng tận tụy vì nhân dân, vì tha nhân.

Cuộc viếng thăm của Ngài chiều nay, là thể hiện một sự hi sinh hết mình với tinh thần “Ta đến để phục vụ mà không phải là để được phục vụ” đúng như khẩu hiệu của Ngài đã nói lên tất cả “Chạnh lòng thương”.

Đến gia đình Cụ Hoàng đã trọng tuổi, cụ ông vẫn nằm trên bệnh viện, cụ bà tuổi đã cao, dù nước đã rút được hơn ba chục cm, vẫn còn ngập sâu quá đầu gối mới vào được nhà. Đến thăm một gia đình ở giữa đường Giáp Bát, khi nước ngập quá sâu giáo dân thấy ái ngại cho Ngài, đã dùng mảng bằng xốp mời Ngài lên, nhưng khi các giáo dân đi theo không thể cùng lên, Ngài đã xuống cùng lội bộ cả quãng đường dài khắp xóm.

Thật cảm động khi người đứng đầu một Tổng Giáo phận đã không quản ngại vất vả, khó khăn và cả nguy hiểm để đến với những con chiên bé mọn của mình. Có những người dân khi được Đức Tổng đến thăm, đã không cầm được nước mắt vì xúc động. Có những bà cụ già cứ cầm tay mãi không muốn rời. Tất cả đều được coi là một hồng phúc, một hồng ân xuống cho gia đình mình khi được Đức Tổng đến thăm.

Không chỉ những giáo dân, khi chứng kiến Đức Tổng lội nước đến thăm các nạn nhân, những người ở tôn giáo bạn và bà con lương dân, đã không khỏi xuýt xoa khi chứng kiến cảnh này. Có cụ già nói lớn với những người xung quanh: “Nhìn ông Tổng Giám mục lội nước đến thăm dân, tôi mới hiểu vì sao khi ông cất lên một tiếng nói, đã có hàng vạn người đứng lên đáp lời với cả tấm lòng mình. Ông ấy chính là hiện thân của sự hi sinh cho dân chúng và cộng đồng” .

Chiều nay, khi Đức Tổng đã lên xe ra về, những tiếng nói, những nụ cười cảm động của những nạn nhân vẫn còn phảng phất, họ thấy mình thật sự hạnh phúc khi có một người cha chung đã không quản gian nguy, vất vả đến với những con chiên bé mọn như mình những khi nguy nan.

Thiết nghĩ rằng không cần nói nhiều, chính những hình ảnh đó đã khẳng định Ngài với trái tim yêu thương, nhân hậu và tinh thần xả thân phục vụ. Chính những hình ảnh, nụ cười, sự hân hoan của giáo dân, sự kính phục của cộng đồng nhân dân mà tôi được chứng kiến chiều nay đã khẳng định uy tín của Ngài được nâng cao hơn bao giờ hết.

Sự tín nhiệm người dân, cộng đồng đặt vào nơi Ngài không phải không có cơ sở. Sự hi sinh, hiến thân và tình yêu thương của Ngài, chính là cơ cở bảo đảm, khẳng định niềm tin yêu của cộng đồng dân chúng giành cho Ngài đã đặt không nhầm chỗ.

Ở Ngài không có những lời hoa mỹ, không có những hành động phô diễn hình thức, cũng không có sự giả tạo và nhất là sự vô cảm thường thấy hiện nay trước nỗi đau nhân quần mà chúng ta đang chứng kiến hàng ngày.