Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2009

No20:Hồ Chí Minh Trước Một Phiên Toà tại Sài Gòn

Mỗi khi đã lọt vào lò tẩy não của chế độ cộng sản hà nội rồi, không sớm thì muộn các thành phần chống cộng từ các nơi trong nước rồi cũng có ngày gặp nhau. Tôi đã gặp được những em học sinh Saigon trong một trại tù ở miền Bắc (trại Thanh Cẩm). Các em bị bắt vì đã cả gan công khai chống lại chế độ của chúng vào thời kỳ chính quyền quân quản chuyên chế tại Saigon và toàn miền Nam đang bành trướng sự bắt bớ, đàn áp nhân dân tại những nơi chúng vừa xâm chiếm xong. Trong đó có câu chuyện bảy em học sinh trường trung học SAINT THOMAS, cạnh nhà thờ Ba chuông, đường Trương minh Giảng Saigon đã tổ chức một phiên toà đặc biệt, xét xử tội phạm Hồ chí Minh ngay tại sân trường của các em.

Chỉ vài tháng, sau ngày xâm chiếm miền Nam Việt Nam, cộng sản Hà Nội đã phơi bày bộ mặt thật của mình qua chính sách cai trị kềm kẹp, cướp đoạt trắng trợn tài sản của nhân dân. Sự chống đối chế độ độc tài cộng sản cũng bắt đầu ngấm ngầm bộc phát trong dân chúng Saigon nói riêng, và toàn dân miền Nam nói chung. Sôi động và quyết liệt nhất lúc bấy giờ là giới học sinh, sinh viên. Hằng đêm, từng nhóm quen biết nhau đã tự động tổ chức đi viết những khẩu hiệu chống đối cộng sản ngay giữa các đường phố, hoặc in truyền đơn đi rải và dán khắp nơi trong thành phố, hô hào đả đảo chế độ độc tài cộng sản. Những vụ ám sát cán bộ cộng sản Hà nội đã xẩy ra ngay giữa thành phố lúc ban ngày như tại Passage Eden, tại đường Hàm Nghi, tại khu Bàn cờ, để rồi danh từ “Phục quốc, Cứu nguy dân tộc cũng bắt đầu được thịnh hành, được phổ thông trong dân chúng từ lúc ấy (tháng 7/1975). Nhưng đặc biệt nhất, dư luận tại vùng Saigon, Chợ lớn lúc đó xôn xao, không ngớt bàn tán, loan truyền rộng rãi và nhanh chóng về một phiên toà lịch sử lạ lùng nhất đã xẩy ra tại sân trường trung học SAINT THOMAS Saigon, mà thành phần thẩm phán và Luật sư của phiên toà ấy là bảy em học sinh tuổi từ 16 đến 20 mà thôi. Sau này dư luận quen gọi là “Phiên toà em Chí”, vì Chí là một học sinh nhỏ nhất trong đám lại là người ngồi ghế Chánh án để xử vụ án lịch sử nầy. Sự việc được các em kể lại cho nghe về những ngày tháng thật sôi nổi hào hùng của mình.

Sau khi Saigon hoàn toàn lọt vào tay cộng sản Hà nội, tất cả các trường trung học và đại học đều ngưng dạy. Nhưng cảnh đông đúc, náo nhiệt hằng ngày tại các trường gia tăng một cách khác thường chưa từng thấy. Với truyền thống và bản chất nghi ngờ, kèm kẹp của cộng sản. Chúng bèn gài màng lưới tình báo vào hoạt động tại các trường để tìm bắt những thành phần học sinh, sinh viên chống đối hoặc đã có quá trình chống cộng trước đó tại Saigon, đồng thời cũng để lôi cuốn một số người nhẹ dạ đi theo chúng.

Thời gian đầu ngắn ngủi ấy, dân chúng Saigon lầm tưởng rằng sau hơn 30 năm chiến tranh tàn khốc trên toàn đất nước bị chia đôi, bây giờ được chấm dứt. Hai miền Nam-Bắc Việt nam sẽ thống nhất, nên mọi người dân đều hi vọng, ước mong có được một cuộc sống thanh bình và hạnh phúc đúng theo lời rêu rao cổ võ của chính quyền Hà nội vào những tháng trước ngày chúng đặt chân vào thủ đô Saigon. Do những lời rêu rao đường mật giả dối ấy, nên lúc vừa xâm chiếm Saigon, cộng sản Hà-nội đã được sự giúp đỡ của số đông sinh viên, học sinh Saigon trong việc gìn giữ an ninh, trật tự công cộng trên đường phố ở thời gian đầu tiên ấy. Ngoài ra còn có một số hăng say lăn xả theo những nhóm do cộng sản tổ chức đi tuyên truyền đập phá và tịch thu những sách báo tại các nhà sách, các nhà xuất bản, các sạp sách báo bên vệ đường vì chúng cho đó là loại sách phản động hay văn hoá đồi trụy, và những băng nhạc thì chúng gọi là nhạc vàng. Nhưng chỉ vài tháng sau đó, hàng ngũ sinh viên học sinh đã thấy được bộ mặt thật của cộng sản. Họ bèn từ bỏ ngay chế độ lật lọng ấy để trở về với thực trạng lầm, than đổ vỡ và suy đồi của dân tộc vừa bị xâm lăng. Thế rồi mỗi nơi một vẻ, mỗi trường một đường lối hành động chống cộng khác nhau, tùy thuộc vào chủ trương và khả năng của từng nhóm riêng biệt. Nhưng chung quy vẫn là tích cực cống độc tài cộng sản để cứu nguy dân tộc.

Trường của em Chí, ngoài những hoạt động chống cộng của những nhóm khác, nhóm em Chí dã hành động nổi bật và sâu sắc nhất bằng cách lập một phiên toà đặc biệt để công khai lên án và xử tử tội phạm quốc sự Hồ chí Minh trước sự hiện diện của học sinh toàn trường, bằng những lời lẽ kết tội rất chí lý và đích thực.

Sáng hôm ấy, đợi đến giờ họp mặt đông đủ học sinh toàn trường như thường nhật, em Chí, học sinh lớp 11, tuổi đời vừa tròn 17, vào ngồi ghế chánh án và tuyên bố lý do khai mạc phiên toà đại hình hôm ấy:

- Một bạn ngồi ghế Biện lý
- Một ngồi ghế dự thẩm,
- Một ngồi ghế Công tố viện,
- Hai luật sư (biện hộ cho bị cáo Hồ chí Minh)
- Một Lục sự.

Phiên toà kéo dài khoảng 15 phút với những lời buộc tội và biện hộ rất sôi nổi. Không hiểu các em đã sưu tầm tài liệu lịch sử ấy ở đâu, nó đã giúp cho phiên toà xử rất lớp lang, hùng biện, làm cho mọi người hiện diện đều im lặng lắng nghe một cách thích thú. Cuối cùng, sau khi luận công và tội của bị cáo, toà tuyên án xử tử hình bị cáo Hồ chí Minh về tội phản quốc. Lập tức, Chánh án (em Chí) lấy trong người ra một bức hình Hồ chí Minh rồi cùng nhau lấy giàn thun bắn và dẫm nát tấm hình ấy với ý nghĩa “án lệnh đã được thi hành”. Phiên toà được giải tán ngay sau đó. Các em vội vã ra về trước sự bàn tán, vừa ngơ ngác vừa thán phục của hàng ngàn học sinh tò mò tham dự. Nhưng không ngờ, vừa ra đến cổng trường đã có nhiều tên công an y phục thường dân đến chĩa súng vào bụng và còng tay từng em đưa đi biệt tích.

Câu chuyện phiên toà lịch sử ấy được loan truyền đi rất nhanh chóng khắp nơi, khiến cho người nghe đều thán phục tinh thần quả cảm hiếm có ấy, đồng thời cũng rất lo ngại cho số phận và tương lai của các em. Không ngờ hơn bốn năm sau, khi đến trại cải tạo Thanh Cẩm (tháng 8/1978), tôi may mắn được gặp các em. Các em cho biết bị đưa ra Bắc trên cùng chuyến tàu Sông Hương với chúng tôi, nhưng bị nhốt ở hầm tàu khác và được đưa thẳng đến trại này.

Tuy chịu cảnh tù đày đã hơn bốn năm, nhưng vẻ mặt các em vẫn còn đượm nét ngây thơ hồn nhiên của tuổi trẻ mặc dầu thân hình có gầy ốm đi nhiều vì bị lao động quá sức trong hoàn cảnh thiếu ăn. Các em đã sớm dấn thân vào công cuộc đấu tranh cho tự do của Tổ quốc và dân tộc Việt Nam, đã mạnh dạn vạch trần và lên án tên tội quốc phạm nguy hiểm và uy quyền nhất của Hà nội. Hành động kiên cường bất khuất ấy xứng đáng là những cây đuốc soi đường, những tiếng chuông đánh thức mọi người Việt quốc gia đã may mắn thoát khỏi nanh vuốt cộng sản Việt Nam, hiện cố tình quên lãng, làm ngơ trước biến cố đau thương của dân tộc đang tiếp tục bị dày xéo trên quê hương ta.

Khi gặp chúng tôi, các em cảm tưởng như đang trong sa mạc gặp được bạn đường. Các em kể lại cho chúng tôi nghe những quá trình bị bị tra tấn, hành hạ vô cùng dã man tại các nhà lao ở Saigon. Đặc biệt tội trạng được ghi ở hồ sơ cá nhân đã làm cho cán bộ nội vụ lẫn ban giám thị các trại giam phải điên đầu mỗi lần chúng đọc đến. Nhưng chúng cũng đành bó tay trước một sự thật quá rõ ràng. Khi có cán bộ trung ương xuống thiết lập lại hồ sơ và hỏi các em bị bắt vì tội gì. Các em trả lời rằng:

- “Tội thành lập phiên toà đặc biệt xử tội Hồ Chí Minh”. Cả bọn giựt mình, xanh mặt khi nghe tù nhân xúc phạm đến họ Hồ, vị lãnh tụ tối cao của chúng. Chúng lập tức uy hiếp, khủng bố tinh thần hòng lái tội trạng ấy thành một tội trạng khác mà không xúc phạm đến tên Hồ chí Minh như tội phản động, tội Phục Quốc hay tội chống cách mạng. Nhưng vô ích! các em chịu chấp nhận những hình phạt ngược đãi, trả thù thêm nữa chứ nhất định không để cho chúng bóp méo sự thật về tội trạng của mình. Các em nói:

- “Chúng tôi bị bắt vì tội gì thì chịu tội đó. Chúng tôi không muốn sự thật bị bóp méo. Hơn nữa, chúng tôi không phục quốc cũng không phản động”. Chắc chắn tinh thần bất khuất của các em ngày càng vững mạnh vì các em có một lý tưởng chính đáng và rõ rệt. Hy vọng những kẻ hèn nhát, những bậc đàn anh và chú bác, những người đã từng nắm vận mạng đất nước mà trốn tránh trách nhiệm khi tổ quốc đang lâm nguy, hãy nhìn tấm gương quả cảm anh hùng của các em học sinh Việt Nam bé bỏng ấy để kịp suy gẫm và chọn cho mình một hướng đi không hổ thẹn với lương tâm và dân tộc.

theo Dương Văn Lợi trong Hà Nội Báo Động Đỏ.
(http://geocities.com/whoishochiminh/”)

Không có nhận xét nào: