Lech Walesa
Cách đây 20 năm,ngày 04-06-1989,lần đầu tiên sau 45 năm dưới chế độ cộng sản Ba Lan, một cuộc bầu cử tự do dân chủ đã được thực hiện. Người dân Ba Lan bằng lá phiếu đã loại bỏ chế độ độc tài toàn trị,,bắt tay vào xây dựng một quốc gia dân chủ.
Ngày 04-06-1989 như một hồi kèn báo hiệu sự cáo chung của chủ nghĩa cộng sản tại đông Âu và trên toàn thế giới, cho dù nó đã được những người cộng sản đông Âu tô vẽ thành ”chủ nghĩa xã hội với bộ mặt người”
Để có được ngày 04-06-1989, những người đẩu tranh cho tự do dân chủ của Ba Lan đã dũng cảm, chịu đựng những hy sinh, bền bỉ, khéo léo tập trung dưới ngọn cờ của Công Đoàn Đoàn Kết (CĐĐK) đấu tranh với chế độ độc tài hơn 10 năm dòng.
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày 04-06, chúng tôi xin giới thiệu tóm tắt những sự kiện đã xẩy ra xung quanh ngày lịch sử này.
Những thỏa thuận về bầu cử tự do
Hội nghị Bàn Tròn
Theo thỏa thuận giữa chính quyền công sản Ba Lan và CĐĐK trong Hội Nghị Bàn Tròn (họp từ 06-02 đến 05-04-1989), ngày 04-06-1989 sẽ tiến hành bầu cử vào quốc hội và thượng viện. Trong 460 ghế của quôc hội, 299 ghế được giành cho đảng cộng sản và các đảng „vệ tinh” của họ không qua tranh cử, chỉ còn lại 161ghế được tranh cử tự do. Riêng thượng viện với 100 ghế, tất cả được tranh cử tự do.
Thỏa thuận trên đây đã giành ưu thế cho đảng cộng sản. Họ tin rằng với tương quan lực lương trong quốc hôi mới, họ vẫn giữ được chính quyền.Còn thành phần cứng rắn trong CĐĐK thì phản đối. Họ cho rằng với thế mạnh của các cuộc tổng đình công, CĐĐK có thể giành được chính quyền hay đạt được một thỏa thuận có lợi hơn. Nhưng những người lãnh đạo của CĐĐK đã chấp nhận thỏa thuận trên, vì chính quyền cộng sản lúc đó vẫn còn trong tay bộ máy công an và quân đội khổng lồ,mấy chục vạn quân Liên Xô với danh nghĩa quân đội khối quân sự Warszawa vẫn đang đóng trên đất Ba Lan, sẵn sàng can thiệp vào công việc nội bộ của Ba Lan. Cần nhượng bộ để từng bước tiếp theo đạt đến mục đích đã đặt ra.
Kết quả bầu cử
Các ứng cử viên của CĐĐK đã chiếm được 99 trong 100 ghế của thượng viện.Tại quốc hội, trong 161 ghế được tranh cử tự do, các ứng viên của CĐĐK đã chiếm trọn 161.
Kết quả bầu cử trên chứng tỏ người dân Ba Lan đã mất hết lòng tin đối với Đảng Cộng Sản. Nhưng Đảng Cộng Sản vẫn tin rằng,với đa số trong quốc hội, họ và các đồng minh của họ vẫn nắm được chính quyền.
Phân bố lưc lượng trong quốc hội như sau:
- CĐĐK: 161 đại biểu.
- Đảng Cộng Sản (PZPR): 173
- Các đảng và các đoàn thể liên minh của đảng cộng sản:
+ Đảng Nông Dân (ZSL): 76
+ Đảng Xã Hội Dân Chủ (SD): 27
+ Hội PAX: 10
+ Liên Minh Xã Hội Cơ Đốc Giáo: 8
+ Hội Công Giáo: 5
Những diễn biến sau bầu cử
Ngày 19-07-1989 quốc hội và thượng viện đã họp chung bầu tướng Wojciech Jaruzelski, nguyên bộ trưởng bộ quốc phòng, tổng bí thư đảng cộng sản, chủ tịch hội đồng nhà nước làm tổng thống. 544 đại biểu quốc hội và thượng viện, với 270 phiếu thuận (đòi hỏi đa số tối thiêu là 169), 233 phiếu chống (ngoài các đại biêu CĐĐK, có 11 người của đảng cộng sản và các đảng liên minh của họ).
Ngày 02-08-1989 quốc hội đã bầu tướng Czeslaw Kiszczak, cựu bộ trưởng bộ nội vụ làm chủ tịch hội đồng bộ trưởng với 237 phiếu thuân, 173 phiếu chống (ngoài CĐĐK có 5 phiếu của PZPR, 21 của ZSL và 3 của SD).
Ngày 07-08-1989, Lech Walesa ra tuyên bố đưa ra đề nghị hai đảng ZSL và SD rời bỏ liên minh với PZPR để cùng với CĐĐK thành lâp chính phủ mới.
Ngày 08-08-1989 Ủy Ban Toàn Quốc của CĐĐK ra tuyên bố: với một chính phủ mới, lại do đảng cộng sản chi phối, sẽ không có hy vọng để cải thiện tình hình chính trị, kinh tế của đất nước hiện đang rất xấu. Chỉ có lối thoát duy nhất là thành lập chính phủ liên minh giữa CĐĐK và hai đảng ZSL va SD. Để cảnh báo PZPR, tuyên bố cũng nhắc nhở CĐĐK các vùng và các địa phương cùng với CĐĐK của các nhà máy, xí nghiệp... chuần bị khả năng để phối hợp hành động toàn quôc phản đôi, nếu chính phủ do tướng Czeslaw Kiszczak được thành lập.
PZPR tuyên bố: việc vận động thành lập chính phủ liên minh giữa CĐĐK với ZSL và SD là trái với những thỏa thuận của Hội Nghị Bàn Tròn.
Lập chính phủ liên minh
Sau những vận động và tuyên bố của CĐĐK, ngày 16-08 hai đảng ZSL và SD tuyên bố rút ra khỏi liên minh với đảng cộng sản và ủng hộ đề nghị của Lech Walesa thành lập chính phủ liên minh với CĐĐK.
Tadeusz Mazowiecki
Khối đại biểu quốc hội của CĐĐK ra tuyên bố sẽ cùng với các đại biêu của ZSL và SD đứng ra thanh lập một chính phủ đoàn kết dân tộc, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, loại bỏ bộ máy quan liêu chỉ phục vụ đảng cầm quyền. Chính phủ mới sẽ bao gồm tất cả các lực lượng chính trị khác nhau của xã hội.
Trước tình thế mới, đảng cộng sản không còn cách nào khác là đồng ý để CĐĐK đứng ra lập chính phủ liên minh với hai đảng ZSL và SD.
Ngày 19-08-2009, tổng thống W. Jaruzelski đã chấp nhận sự từ chức chủ tịch hội đồng bộ trưởng của tướng Czeslaw Kiszczak do không thành lập được chính phủ đa số trong quốc hội và đề cử ông Tadeusz Mazowieski, nhà báo, tổng biên tập tạp chí „Đoàn Kết”(Solidarnosc) của CĐĐK.
Ngày 24-08 quôc hội đã bầu ông Tadeusz Mazowiecki làm chủ tịch hội đồng bộ trưởng với 378 phiếu thuận,4 phiếu chống, 41 phiếu trắng.
Thế là lần đầu tiến sau 45 năm một chính phủ không cộng sản đã được thành lập, đặt nền móng cho những chính phủ dân chủ kế tiêp xây dựng Ba Lan trở thành một quốc gia dân chủ.
Vai trò của trí thức
Từ trước tới nay khi nhắc đến CĐĐK, người ta thường nhắc đến Lech Walesa – người thợ điện huyền thoại, hay những cuộc tổng đình công với hàng vạn công nhân tham gia. Dĩ nhiên, đây là nhừng yếu tố quan trọng dẫn tới những thắng lợi của CĐĐK, nhưng đứng sát cánh những cuộc đình công hay bên cạnh Lech Walesa là những „bộ óc” của CĐĐK. Họ là những trí thức tài ba, giẩu lòng yêu nước, can đảm trong đấu tranh trực diện và khéo trong đối thoại, đàm phán. Chính họ là những người được giáo dục và trưởng thành trong chế đô cộng sản, đã phát hiện và tố cáo với thế giới những sai trái của chế độ cộng sản Ba Lan và gieo những hạt giống của phong trào đấu tranh đòi hỏi tự do, dân chủ tại Ba Lan. Chúng ta có thể kể sau đây một vài trí thức điển hình.
Bronislaw Geremek
Giáo sư Bronislaw Geremek, sinh ngày 06-03-1932 tại Warszawa. Ông tốt nghiệp khoa sử trường Đại Học Tổng Hợp Warszawa năm 1954. Từ 1956-1958 ông tu nghiệp tại Ecole Pratique des HauteS De Paris. Ông là đảng viên Đảng Công Nhân Thống Nhất Ba Lan (đảng cộng sản) từ năm 1950. Từ 1962-1965 ông giảng dạy tại đại học Sorbon Paris. Năm 1968 khi quân đội Liên Xô chiếm đóng và đàn áp phong trào đòi hỏi tự do dân chủ tại Tiệp Khắc, ông trả lại thẻ đảng và rời bỏ đảng cộng sản. Năm 1977 ông là đồng tác giả của lá thư gửi chính quyền cộng sản phản đối viêc bắt giam các thành viên của Ủy Ban Bảo Vệ Công Nhân (KOR). Năm 1983, ông bị bắt với tội danh „làm gián điêp”, sau được thả nhờ áp lực của Hội Ân Xá Quốc Tế (Amnestia International). Từ 1987 ông trở thành một trong những cố vấn quan trọng nhất của Lech Walesa. Trong Hội Nghị Bàn Tròn ông là đại diện của CĐĐK trong tiểu ban cải cách chính trị. Sau ngày 04-06-1989 ông là chủ tịch nhóm đại biểu của CĐĐK trong quốc hội, chủ tịch ủy ban đối ngoại của quốc hội. 1997-2000 ông là bộ trưởng bộ ngoại giao và đã tích cực đưa Ba Lan trở thành thành viên của khối quân sự NATO. Ông mất trong môt tai nạn ô tô ngày 13-07-2008 khi đang là nghị viên của quôc hội Liên Minh Châu Âu (EU).
Jacek Kuron
Jacek Kuron sinh năm 1934 tại Lwow, tốt nghiêp khoa sử Đại Học Tổng Hợp Warszawa. Ông là đảng viên đảng Công Nhân Thống Nhất Ba Lan 1952-1953 và 1956-1964. Cả hai lần ông bị khai trừ ra khỏi đảng chỉ vì phê phán sự lãnh đạo của đảng. Năm 1964 ông cùng với một nhà sử học viết thư ngỏ gửi các đảng viên trong đảng và bị bắt tháng 7-1965, bị kết án 3 năm tù. Tháng 5-1967 ông được ra tù có điều kiện. Ông tham gia các phong trào phản kháng 03-1968 va 01-1969 và lại bị bắt với án 3,5 năm tù. Năm 1976 ông là một trong những sáng lập viên của Uỷ Ban Bảo Vệ Công Nhân (KOR) và lại bị bắt tháng 8-1980, được ra tù nhờ thỏa thuận kí kết giữa CĐĐK và chính phủ. Năm 1980-1981 ông cùng những người đối lâp thành lập Câu Lạc Bộ Tự Do, bị bắt lần thứ 5 với tội danh „âm mưu lật đỏ chế độ XHCN, được ra tù nhờ áp lực quốc tế tháng 7-1984. Năm 1988 ông làm việc tai Ủy Ban Công Dân bên cạnh L. Walesa. Ông tham gia Hội Nghị Bàn Tròn. Sau ngày 4-06-1989 ông tham gia chính phủ và giữ chức bộ trưởng Bộ Lao Động và An Sinh Xã Hội.
Adam Michnik
Adam Michnik là một sinh viên trẻ. Năm 1968 do đứng ra tổ chức sinh viên trường Tổng Hợp Warszawa phản kháng chế độ, anh đã bị đuổi học và lãnh án tù 3 năm. Năm 1977 tham gia Ủy Ban Bảo Vệ Công Nhân và bị bắt, được thả nhờ áp lực quốc tế. Sau đo anh còn nhiều lần bị bắt. A. Michnik là cố vấn của CĐĐK các nhà máy, rồi tham Ủy Ban Công Dân do L. Walesa trực tiếp lãnh đạo. Anh tham gia Hội Nghị Bàn Tròn. Sau tháng 4-06 anh là đại biểu quốc hội 1 khóa và trở thành tổng biên tập của tờ „Wyborcza“ (Bầu cử), nhật báo độc lâp đầu tiên của Ba Lan. Hiện A. Michnik vẫn là tổng biên tập, đây là một trong nhưng nhât báo lớn nhất của Ba Lan, luôn đứng ra bảo vệ những giá trị của tự do, dân chủ và chống tham nhũng.
Kết luận
Ngày 4-06-1989 đã chứng tỏ rằng có thể chuyển đổi một chế độ độc tài toàn trị sang chế đô tự do dân chủ bằng phương pháp bất bạo động.
Bầu cử dân chủ và lập chính phủ không cộng sản đầu tiên tại Ba Lan là bước đột phá, làm sụp đổ các chế độ cộng sản đông Âu và góp phần phá bỏ bức tường Berlin, chấm dứt chiến tranh lạnh trên thế giới.
Những người đấu tranh cho dân chủ Ba Lan đã thành công vì họ đã biết tập trung vào mục đích chính. Tham gia CĐĐK là hàng triệu người, những con người từ những tôn giáo, đảng phái, thành phần, cá tính v.v… rất khác nhau, nhưng họ biết đặt sang một bên những khác biệt, tâp trung vào mục đích tối thượng là dẹp bỏ chế độ độc tài cộng sản.
Ngày nay Ba Lan là môt quốc gia dân chủ thực sự, là thành viên của khối quân sự NATO, là nền kinh tế thứ 7 trong 27 nước của Liên Minh Châu Âu (sau Đức, Pháp, Anh, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan). Phải chăng đó không phải là thành quả bắt nguồn từ ngày 4-06-1989?
Waszawa 01-06-2009
Thứ Ba, 2 tháng 6, 2009
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)